Vinasun và Mai Linh luôn là "kỳ phùng địch thủ" so kè với nhau trong nhiều năm liền. Tuy nhiên, sự xuất hiện của taxi công nghệ khiến ngành taxi truyền thống gặp khó khăn. Từ năm 2016, cả Vinasun và Mai Linh bước vào giai đoạn suy thoái, thị phần ngày càng bị thu hẹp khi sự thâm nhập của taxi công nghệ ngày càng lớn.
Đặc biệt, trong 2 năm 2020 – 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, lây lan trên diện rộng khiến cho các doanh nghiệp taxi gặp khủng hoảng lớn. Chính phủ Việt Nam ban hành các biện pháp giãn cách xã hội, biện pháp 5K với thông điệp "ai ở đâu, ở yên đó" yêu cầu người dân hạn chế di chuyển đồng thời nhiều tỉnh thành trong đó có Hà Nội và Hồ Chí Minh ban hành quyết định tạm dừng vận tải hành khách công cộng khiến lượng hành khách đi taxi giảm đến 80 - 90%.
Doanh thu của Vinasun giảm liên tục sau khi lập đỉnh năm 2016, quay về tương đương năm 2007
Đối với Mai Linh, doanh nghiệp đã chìm trong thua lỗ từ nhiều năm trước với số lỗ luỹ kế tính đến 31/12/2021 lên đến 1.419 tỷ đồng trong khi vốn góp của chủ sở hữu là 1.246 tỷ đồng.
Năm 2021, Mai Linh ghi nhận doanh thu thấp nhất từ trước đến nay là 1.064 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp thu hẹp chỉ vỏn vẹn 8,4%. Mặc dù đã cắt giảm mạnh các chi phí cùng với lợi nhuận khác thu về 103 tỷ đồng nhưng Mai Linh vẫn lỗ ròng 254 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất của doanh nghiệp trong lịch sử hoạt động.
Khó khăn của Mai Linh không chỉ đến từ ngoại cảnh mà cả nội tại doanh nghiệp từ những sai lầm trong quá khứ. Quá nôn nóng mở rộng quy mô doanh nghiệp, ban lãnh đạo Mai Linh khi đó đã sử dụng vốn ngắn hạn vay từ người dân với lãi suất 18-25%/năm để đầu tư dài hạn vào taxi mất 5-7 năm mới thu hồi được vốn cùng với việc đầu tư dàn trải trong khi quản trị tài chính kém và bộ máy cồng kềnh dẫn đến chi phí quản lý quá cao khiến Mai Linh đã sớm thua lỗ nhiều năm.
Đến năm 2018, Mai Linh quyết định hợp nhất Tập đoàn Mai Linh, Mai Linh Miền Bắc và Mai Linh Miền Trung thành 1 công ty duy nhất là Tập đoàn Mai Linh.
Cả 2 hãng taxi đều lỗ hơn 400 tỷ trong 2 năm covid
Còn Vinasun trong giai đoạn Mai Linh thua lỗ vẫn sống khoẻ và tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, khó khăn kéo dài khiến kể từ năm 2016, Vinasun bắt đầu tăng trưởng âm và lỗ lớn trong 2 năm 2020 – 2021, thậm chí mức lỗ còn lớn hơn cả Mai Linh. Năm 2021, doanh thu của Vinasun chỉ đạt 485 tỷ đồng và lỗ ròng tới 273 tỷ đồng.
Tuy vậy, tình hình tài chính của Vinasun vẫn khả quan hơn Mai Linh nhiều. Tổng tài sản của Mai Linh cao gấp 2,7 lần Vinasun nhưng tổng nợ thì cao hơn đến 11,5 lần.Thua lỗ nhiều năm với số lỗ luỹ kế lớn 1.419 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Mai Linh chỉ còn 3 tỷ đồng trong khi đó tổng nợ dù có giảm so với năm 2020 nhưng vẫn ở mức cao với 4.197 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ/ vốn chủ sở hữu của Mai Linh cao ngất ngưởng là 1.399 trong khi Vinasun không vay nợ nhiều nên tỷ lệ này ở mức rất an toàn là 0,3.
Thua lỗ liên tiếp 2 năm, trước lo lắng về khả năng bị huỷ niêm yết nếu lỗ liên tiếp 3 năm, Vinasun cho biết, công ty xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là chấm dứt thua lỗ và kinh doanh có lãi. Để thực hiện mục tiêu này, Vinasun đẩy nhanh việc thanh lý xe nhằm giảm chi phí khấu hao và hạn chế thấp nhất số lượng xe nằm bãi. Do đó, tổng số xe của Vinasun đến cuối năm 2021 chỉ còn 2.071 xe.
Kết thúc quý 1/2022, Vinasun đã thành công được 1 phần khi đã có lãi trở lại với lợi nhuận sau thuế đạt 12,5 tỷ đồng. Năm 2022, Vinasun đặt mục tiêu thanh lý tiếp 506 xe và đầu tư 156 xe, giảm số xe xuống 1.721 xe.
Số lượng nhân viên Vinasun hiện nay cũng chỉ còn 1.764 người, khi vào thời kỳ đỉnh cao năm 2015 - 2016, số lượng nhân sự Vinasun đã lên đến hơn 17.000 người.
Sang năm 2022, dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng các hãng taxi truyền thống dự đoán vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn từ áp lực cạnh tranh với taxi công nghệ, tỷ lệ sở hữu xe ô tô của người dân Việt Nam tăng cũng như chi phí nguyên liệu như xăng, dầu tăng cao, nhiều tài xế trong lúc dịch bệnh đã nghỉ việc khiến xe không thể hoạt động.