Tình tiết mới vụ tàu đổ bộ tấn công Mỹ bốc cháy kinh hoàng!
Theo nguồn tin một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ tiết lộ hôm 26/8, một thủy thủ hiện đang bị Cơ quan Điều tra Hình sự Hải quân và Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF) thẩm vấn và mặc dù không bị bắt giữ, người này bị đánh giá là "nghi phạm tiềm năng".
Nguồn tin giấu tên này cũng cho AP biết thêm rằng diễn biến mới trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp đã được thông báo cho các lãnh đạo tại Lầu Năm Góc.
Tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard (LHD-6) đã bùng cháy trong hơn 4 ngày và đây được đánh giá là vụ cháy tàu chiến tồi tệ nhất của Hải quân Mỹ (USN) ngoài các nhiệm vụ chiến đấu những năm gần đây.
Mặc dù đám cháy đã được dập tắt, con tàu đã thiệt hại nặng về kết cấu, đường điện và các chi tiết cơ khí - nói cách khác, tương lai LHD-6 trở nên mù mịt.
Phần thượng tầng nơi có những khu vực quan trọng nhất của con tàu đã bị nóng chảy và sụp xuống (Ảnh chụp từ trực thăng chữa cháy).
Trước đó, giả thuyết về vụ cháy là do yếu tố con người đã lần đầu tiên được KGTV, chi nhánh của Kênh truyền hình ABC tại San Diego đề cập. Tuy nhiên Trung úy Tim Pietrack, phát ngôn viên của USN từ chối trả lời câu hỏi này:
"Nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của quá trình điều tra và tất cả những cá nhân liên quan, Hải quân Mỹ sẽ không đưa bình luận. Chúng tôi không có gì để thông báo vào lúc này".
Cơ quan Điều tra Hình sự của Hải quân Mỹ (NCIS) cũng từ chối bình luận về vụ việc.
USS Bonhomme Richard là tàu thứ 6 trong 8 tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp, là một trong số ít các tàu chiến của Mỹ có thể hoạt động như một tàu sân bay "mini".
Các tàu lớp Wasp được trang bị trực thăng vận tải, trực thăng vũ trang, tiêm kích cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) và các tàu đổ bộ có thể triển khai nhanh các đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ đến bất kỳ điểm nóng nào trên thế giới.
Bên trong tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard của Hải quân Mỹ trước khi bốc cháy.
Nhiều bí ẩn vẫn chưa được giải thích?
Vào thời điểm ngọn lửa và theo sau đó một đám khói đen dày đặc bốc lên từ tàu tấn công đổ bộ dài 256 mét, 160 thủy thủ và sĩ quan vẫn đang ở trên con tàu.
USS Bonhomme Richard đang trong quá trình nâng cấp kéo dài 2 năm với chi phí ước tính khoảng 250 triệu USD tại Căn cứ Hải quân San Diego.
Lực lượng cứu hỏa đã dùng các vòi rồng và trực thăng để dập tắt đám cháy bằng nước biển. Hơn 60 thủy thủ và dân thường đã được điều trị do các chấn thương nhẹ và biển hiệu kiệt sức do sốc nhiệt và ngạt khói.
Theo các nhà phân tích, nếu tàu đổ bộ tấn công không được sửa chữa để tái vận hành, USN có thể tốn tới 4 tỷ USD để thay thế nó.
Cảnh quay vụ cháy tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard của Hải quân Mỹ (Nguồn: KSWB).
Trưởng ban Tác chiến Hải quân Mỹ (CNO), Đô đốc Mike Gilday đã đến hiện trường một ngày sau khi ngọn lửa được dập tắt.
Ông Gilday cho biết ngọn lửa đã được kiểm soát chỉ vài giờ sau khi nó bùng phát vào buổi sáng tại khu vực kho chứa các hộp các tông, giẻ lau và các vật tư bảo dưỡng khác của con tàu.
Tuy nhiên, những cơn gió từ Vịnh San Diego đã thổi bùng ngọn lửa và đám cháy lan các thang máy và các ống khói. Sau đó, hai vụ nổ khiến đám cháy trở nên tồi tệ hơn, Đô đốc Gilday nhấn mạnh.
Ở thời điểm phỏng vấn, Đô đốc Gilday cho rằng mặc dù USN chưa thấy dấu hiệu về hành vi phá hoại hoặc tấn công nhưng họ vẫn tiếp tục quá trình điều tra nguyên nhân của các vụ nổ.
Hạm trưởng G.S. Thoroman chỉ ra các thiệt hại do hỏa hoạn trong khoang chứa máy bay cho Trưởng ban Tác chiến Hải quân Mỹ (CNO), Đô đốc Mike Gilday hôm 17/7 (Ảnh: Hải quân Mỹ).