Theo Dịch vụ Giám sát Khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu, lỗ thủng tầng ôzôn hình thành hàng năm trên Nam Cực hiện lớn hơn toàn bộ Nam Cực. Các nhà khoa học khẳng định ngay cả khi biến đổi khí hậu dừng lại hoàn toàn, vẫn có cơ hội rất nhỏ để tầng ôzôn có thể phục hồi cho đến những năm 2060 hoặc 2070.
Tầng ôzôn nằm ở độ cao từ 14 đến 35km so với Trái đất và nó rất quan trọng để bảo vệ hành tinh khỏi bức xạ cực tím. Tầng ôzôn thường cạn kiệt và tạo thành một lỗ thủng trên Đại Tây Dương vào mỗi mùa xuân và quá trình này kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 ở Nam bán cầu.
Lỗ hổng này là do các chất hóa học như clo, carbon và brôm (chlorofluorocarbons) di chuyển vào tầng bình lưu và tạo ra các phản ứng xúc tác khi mùa đông tới. Nó cũng được kết nối với xoáy Nam Cực. Đây là một khu vực lớn và có các vòng xoáy không khí hoàn lưu ở tầng trên của bầu khí quyển, đồng thời chuyển động quanh Trái đất.
Khi nhiệt độ ở tầng bình lưu bắt đầu tăng vào cuối mùa xuân, sự suy giảm tầng ôzôn thường chậm lại và trở lại mức bình thường vào tháng 12.
Giám đốc Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus Vincent-Henri Peuch cho biết: "Năm nay, lỗ thủng ôzôn đã phát triển như dự kiến vào đầu mùa. Nó có vẻ khá giống với năm ngoái và không thực sự đặc biệt cho đến đầu tháng 9. Nhưng sau đó nó đã biến thành một trong những lỗ thủng ôzôn lớn nhất và tồn tại lâu nhất trong hồ sơ dữ liệu của chúng tôi vào cuối mùa này. Giờ đây, các dự báo của chúng tôi cho thấy lỗ hổng năm nay đã phát triển thành một lỗ hổng lớn hơn bình thường. Dòng xoáy khá ổn định và nhiệt độ ở tầng bình lưu thậm chí còn thấp hơn năm ngoái, vì vậy nó có thể tiếp tục tăng nhẹ trong hai hoặc ba tuần tới".
Mặc dù các chuyên gia tin rằng việc cắt giảm và loại bỏ các hóa chất làm suy giảm tầng ôzôn theo quy định của Nghị định thư Montreal từ năm 1987 đã ngăn chặn được những hậu quả thảm khốc, tuy nhiên kích thước lỗ thủng tầng ôzôn năm nay là cực kỳ đáng lo ngại.
Nó cũng khiến các nhà khoa học tự hỏi, liệu chúng ta có đang làm đủ mọi cách để ngăn chặn sự suy thoái thêm của hành tinh hay không. Hành động tập thể mạnh mẽ và bền vững hơn chắc chắn là điều cần thiết để giảm thiểu biến đổi khí hậu và giúp tầng ôzôn sớm phục hồi.