Nhân duyên là một thứ vô cùng kỳ lạ. Ai đó có thể lướt qua nhau, hoặc kết nối với nhau bằng những sự kiện tưởng chừng rất vô tình. Giống như chuyện của Tuyết và Hải, một người ở Bình Dương, một người ở Lạng Sơn; một người cao to vạm vỡ, đi khắp nơi làm việc, một người mắc chứng xương thủy tinh, cả đời không thể đứng dậy; không hề có người bạn chung hay cơ hội gặp gỡ nào, thế nhưng lại trở thành vợ chồng nhờ 10 ngàn đồng chuyển nhầm.
Chuyện là, Tuyết (sinh năm 1987) có cô em gái bị hết tiền điện thoại, nhắn Tuyết gửi qua cho 10 ngàn. Cô cũng gửi, như thường lệ, nhưng em gái đợi cả buổi không thấy tiền đến. Hóa ra, Tuyết đã gửi nhầm vào tài khoản điện thoại của Hải (sinh 1994), người đang sống xa cô hàng ngàn cây số.
Khi Tuyết nhắn tin hỏi Hải, anh cũng thật thà xác nhận, có chút bối rối vì không biết làm thế nào để chuyển trả tiền cho người lạ. Nhưng "món nợ" nho nhỏ ấy vẫn khiến anh trăn trở, và từ đó có thêm một thói quen mới: nhắn tin, gọi điện nói chuyện với Tuyết mỗi đêm.
Cặp đôi đũa lệch Tuyết và Hải (bên phải)
Họ trở thành bạn qua điện thoại như thế suốt 5 - 6 năm. Tuyết giấu biệt chuyện mình bị khuyết tật, vì không nghĩ chuyện giữa cô và Hải có thể tiến triển. Còn Hải, lúc ở quê Lạng Sơn, sang Trung Quốc đi làm, về Hà Nội, qua Đắc Nông, rồi lại về quê, ngần ấy lần di chuyển công việc, sau nhiều năm, vẫn cứ gọi điện tâm sự chuyện đời với cô bạn gái anh chưa từng giáp mặt.
Hải yêu mến giọng nói của Tuyết, và tiền anh đổ vào những cuộc điện thoại để giữ liên lạc với cô, có lẽ phải gấp hàng nghìn lần số tiền Tuyết chuyển nhầm năm ấy. Cho đến khi, không thể kìm lòng, Hải hỏi Tuyết địa chỉ, muốn vào để gặp người thương.
Lúc này, Tuyết mới run run thú nhận: "Em là người khuyết tật, em không có ý định lập gia đình. Em chỉ nói chuyện chơi bời vậy thôi chứ không muốn yêu đương, không muốn làm khổ ai hết". Thực ra, cô sợ mình bị tổn thương, và cũng sợ làm Hải thất vọng. Còn Hải nhất quyết nói, dù Tuyết có thế nào anh cũng thương, và nài nỉ cô đưa địa chỉ. Từ Lạng Sơn, Hải đi xe khách hơn 2.000km để tới Bình Dương gặp Tuyết.
Tuyết gắn bó với chiếc ghế xoay, không thể đứng lên do mắc chứng xương thủy tinh
Hải đến nhà chơi khi có mẹ và em gái Tuyết ở nhà. Vào rồi nhìn thấy nhau, Hải vẫn hỏi chuyện như trước giờ anh nói với Tuyết qua điện thoại. Có lúc, anh nắm chặt bàn tay gầy gò của cô, nhìn ngắm cô. Còn Tuyết thì quá ngại ngùng, không dám ngẩng lên nhìn anh.
Hải nhớ lại: "Khi mới gặp thì thấy cũng kỳ kỳ, hơi bất ngờ, nhưng sau nhìn mãi thì cũng quen mắt. Tuyết dễ thương, nhẹ nhàng, tốt tính nên em thương cô ấy". Hải chủ động tỏ tình, động viên Tuyết đến với hôn nhân, bất chấp việc gia đình anh phản đối dữ dội từ ngày anh đưa vợ về ra mắt.
Họ ở bên nhau, có một cậu con trai kháu khỉnh, lành lặn năm nay học lớp 1. Đến năm 2022, hai người mới có điều kiện làm đám cưới. Đám cưới chỉ có vài bàn tiệc tổ chức ở Bình Dương, nhà trai chỉ có một người anh và em gái út của Hải làm đại diện. Nhưng với Tuyết, hạnh phúc của cô bên người chồng kém 7 tuổi quan trọng hơn những nghi lễ đó.
Hải (bên trái) yêu thương, bỏ qua cấm cản gia đình để lập gia đình với Tuyết
"Anh thương em nhiều lắm. Em bị yếu bệnh gì là anh bôi dầu, cạo gió, chăm sóc em. Đi làm về là anh xoa đầu vợ hỏi hôm nay em thế nào, hôm nay em có mệt không. Nhiều người cũng hỏi chồng cao to, lại ra ngoài làm việc nhiều có mất anh không, em không lo lắng gì cả vì anh rất hiền.
Buổi tối em đi bán hàng, lúc nào anh cũng đợi vợ về ăn cơm tối, có đói cũng không ăn trước. Có bữa 10 rưỡi đêm em mới về, anh vẫn đợi cơm", Tuyết hạnh phúc khoe.
Tuyết có thể làm đủ việc nhà, chăm sóc chồng con
Ở hai người có tình thương, thấu hiểu và thông cảm với nhau rất lớn. Tuyết thương chồng đi làm vất vả, nên ban ngày, cô quán xuyến việc nhà. Với chiếc ghế thấp có chân di chuyển, Tuyết "đi" khắp nhà lau dọn, nấu nướng, giặt giũ... Từ hồi sinh con chưa được 10 ngày, cô đã tự giặt đồ cho con "vì anh đi làm cả ngày, tối còn giặt tã nữa thì tội nghiệp". Tuyết cũng nhận gia công đồ may, thủ công mỹ nghệ với một số công đoạn đơn giản. Còn Hải, anh xót vợ ham làm khi còn yếu ớt, đến giờ vẫn cằn nhằn chuyện Tuyết đụng nước lạnh sớm.
Cuộc sống gia đình còn không ít nhọc nhằn, nhưng với cả hai, tình cảm của đối phương dành cho mình, và cậu con trai nhỏ lớn lên mỗi ngày đã trở thành động lực giúp họ gắng gượng, cố gắng vượt qua.
Bữa cơm đạm bạc nhưng hạnh phúc của gia đình nhỏ
Nguồn ảnh: Độc lạ Bình Dương