Lo sợ một tương lai đầy khó khăn và nguy hiểm, Trung Quốc thúc đẩy sự trỗi dậy của 'Thung lũng Silicon' hạt giống

Hữu Hiển |

Kế hoạch Nanfan cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Lo sợ một tương lai đầy khó khăn và nguy hiểm, Trung Quốc thúc đẩy sự trỗi dậy của Thung lũng Silicon hạt giống - Ảnh 1.

Khu công nghiệp nông nghiệp hiện đại (công nghiệp hạt giống) cấp quốc gia Yazhou ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Global Times

Tam Á - một thành phố ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc - được biết đến như một thiên đường nghỉ dưỡng cho cả du khách Trung Quốc và nước ngoài. Tuy nhiên, khi Yuan Zhipeng đến thành phố này vào năm 2020, anh không đến vì những bãi biển và khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp tại đây, mà có một nhiệm vụ khác.

"Tôi có cơ hội đến đây học tiến sĩ, vì vậy tôi đã quyết định ngay. Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ tốt nghiệp vào năm tới", Yuan - nghiên cứu sinh tại Trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt giống của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc - nói với phóng viên Global Times.

Yuan là một trong số rất nhiều nhà khoa học, sinh viên và doanh nhân Trung Quốc đã đến Tam Á để nghiên cứu và lai tạo giống cây trồng cho năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn.

Tam Á được biết đến như một cơ sở chính của Nanfan – kế hoạch nhân giống cây trồng ở vùng khí hậu ấm hơn ở phía nam Trung Quốc - trong nhiều thập kỷ. Theo dữ liệu chính thức, gần 800 tổ chức và doanh nghiệp nghiên cứu hạt giống và hơn 8.000 nhà nghiên cứu từ 29 tỉnh, thành phố và khu vực đang triển khai kế hoạch Nanfan ở Hải Nam.

Trong khoảng 60 năm trở lại đây, tổng cộng có khoảng 620.000 người đã đến Hải Nam để làm công việc này, góp phần thực hiện nhiều bước đột phá lớn trong ngành hạt giống của Trung Quốc, bao gồm cả thành công của giống lúa lai. Kế hoạch Nanfan đóng góp hơn 70% hạt giống nông nghiệp mới của Trung Quốc.

Theo tờ Global Times, trong những năm gần đây, với bối cảnh bất ổn toàn cầu và rủi ro an ninh lương thực ngày càng gia tăng, Tam Á đã có vị trí quan trọng mới với tư cách là cơ sở chính cho ngành hạt giống, khi Trung Quốc nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển giống cây trồng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng Tam Á thành "Thung lũng Silicon" cho hạt giống - thường được mệnh danh là vi mạch của ngành nông nghiệp - nhằm tăng cường khả năng tự cung cấp giống cây trồng và đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia.

Lo sợ một tương lai đầy khó khăn và nguy hiểm, Trung Quốc thúc đẩy sự trỗi dậy của Thung lũng Silicon hạt giống - Ảnh 2.

Kỹ thuật viên kiểm tra lúa trồng trên mái nhà của Phòng thí nghiệm hạt giống Vịnh Yazhou ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển giống cây trồng

Yuan cho biết: "Ngoài việc hoàn thiện nhanh chóng cơ sở hạ tầng và nền tảng nghiên cứu khoa học, cảm nhận chính của tôi là bầu không khí nghiên cứu khoa học ngày càng mạnh mẽ hơn và các dịch vụ nghiên cứu khoa học ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn."

Bầu không khí như vậy có thể cảm nhận được tại Phòng thí nghiệm Hạt giống Vịnh Yazhou ở Tam Á. Vào một buổi chiều Chủ nhật đầy nắng, nhiều nhà nghiên cứu trẻ vẫn bận rộn tiến hành các thí nghiệm và các công việc khác trong căn phòng chất đầy các mẫu vật và thiết bị.

Tại tiền sảnh, các công trình của phòng thí nghiệm được trưng bày cho rất đông khách tham quan. Với các chuyến viếng thăm của các quan chức hàng đầu Trung Quốc, phòng thí nghiệm đã trở thành "tấm biển quảng cáo" cho ngành công nghiệp hạt giống của Trung Quốc.

Li Jiayang - một nhà khoa học nông nghiệp nổi tiếng tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) và là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Hạt giống Vịnh Yazhou - cho biết, nhiệm vụ của phòng thí nghiệm là tập trung vào việc "đáp ứng các nhu cầu cấp thiết hiện tại và nắm bắt những bước tiến dài trong tương lai" về mặt nghiên cứu và phát triển giống cây trồng.

Tại Đại hội Hạt giống Trung Quốc (CSC) và Diễn đàn Thung lũng Silicon Nông nghiệp Nanfan ở Tam Á được tổ chức vào tuần trước, Li cho biết, phòng thí nghiệm đang hướng tới những bước tiến lớn trong các lý thuyết sinh học nông nghiệp cơ bản và đột phá, xây dựng một hệ thống công nghệ mới cho giống cây trồng có quyền sở hữu trí tuệ độc lập, đồng thời cảnh báo về các rủi ro an ninh lương thực.

Theo các nhà khoa học tại CAS, tỷ lệ tự túc về nguồn cung ngũ cốc của Trung Quốc là 83%, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn 95% cần thiết để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Chen Mengshan, người đứng đầu Ủy ban Tư vấn Dinh dưỡng và Thực phẩm Nhà nước Trung Quốc và là nhà khoa học hàng đầu của CAS - cho biết: "Trung Quốc là một quốc gia đông dân và việc dựa vào thị trường quốc tế để cung cấp thực phẩm ngày càng khó khăn và nguy hiểm hơn."

Trước những rủi ro như vậy, việc nghiên cứu và phát triển hạt giống đã trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Trong những năm gần đây, các văn bản chính sách của Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh đến sự phát triển của ngành giống cây trồng. Cả Văn bản Trung ương số 1 và Báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc trong năm nay đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp thêm sinh lực cho ngành giống cây trồng và nỗ lực tạo ra những đột phá quan trọng về công nghệ trong nông nghiệp.

Zhang Xingwang - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc – phát biểu tại Đại hội Hạt giống Trung Quốc cho biết, nước này sẽ sớm công bố kế hoạch tổng thể để tiếp tục xây dựng "Thung lũng Silicon" Nanfan tích hợp nghiên cứu khoa học, sản xuất, bán hàng, trao đổi khoa học và công nghệ cũng như áp dụng kết quả nghiên cứu và phục vụ cả nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại