Chiều 30/1, rất nhiều bác sĩ là đồng nghiệp của bác sĩ Hoàng Công Lương từ nhiều tỉnh thành đã có mặt tại TAND TP Hòa Bình để bày tỏ mong muốn HĐXX sẽ có bản án công tâm dành cho bị cáo Lương.
Vì vậy, sau khi bản án 42 tháng tù giam được HĐXX công bố, theo quan sát của phóng viên tại tòa, nhiều bác sĩ và người dân Hòa Bình tỏ ra bàng hoàng. Không chỉ bác sĩ, một số người dân rơi nước mắt.
Cũng theo quan sát của phóng viên, nhiều người hoàn toàn xa lạ đến ôm BS Lương, động viện can đảm và tiếp tục cố gắng.
"Tiền lệ xấu"
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Nguyệt, từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) là một trong những người đã theo dõi phiên tòa xét xử Hoàng Công Lương ngay từ những ngày đầu. Khi tham dự phiên công bố bản án chiều nay, bác sĩ Nguyệt cho biết chị cảm thấy vô cùng thất vọng.
BS Nguyệt cho rằng, bản án đối với Hoàng Công Lương sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Bản án này đối không phải dành riêng cho Hoàng Công Lương mà có tác động đối với tất cả các bác sĩ hành nghề trên đất nước Việt Nam.
"Bất kể lúc nào bác sĩ chúng tôi cũng có thể vào tù" - chị bi quan.
"Hành vi ra y lệnh của bác sĩ Lương là để điều trị cho bệnh nhân, không phải là để chết người. Sau khi bản án này được thực thi với bác sĩ Lương tôi lo rằng tất cả các bác sĩ khác sẽ trở lên co cụm".
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Nguyệt (áo xanh hàng thứ hai) cùng nhiều đồng nghiệp, người dân ngồi chật kín phòng theo dõi phiên công bố bản án.
Chị phân tích: Ở trong tình huống cấp cứu bệnh nhân, nếu trước đây bác sĩ có thể quên mình vì bệnh nhân, bấp kể điều kiện về vật chất, trang thiết bị thế nào vẫn ký y lệnh thì nay, với bản án dành cho bác sĩ Lương, các bác sĩ sẽ không dám cứu bệnh nhân khi chưa có đủ điều kiện.
Chị ví dụ, một bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp, các bác sĩ chưa có chẩn đoán chắc chắn, trang thiết bị chưa đủ nhưng cần phải mở khí quản. Nếu như để có đầy đủ diều kiện sẽ phải đưa bệnh nhân vào phòng vô trùng, đầy đủ các điều kiện kỹ thuật mới làm cho bệnh nhân, thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chết.
Trong trường hợp nếu bác sĩ không chờ đầy đủ điều kiện về thiết bị thì sẽ bị quy tội, nhưng khi chờ đủ điều kiện mà bệnh nhân tử vong, bác sĩ vẫn sẽ là người có nguy cơ phải đi tù.
"Sau bản án này sẽ có tiền lệ xấu. Tôi dám chắc một điều, sau vụ việc này bác sĩ sẽ co mình lại trong tất cả các công việc hàng ngày. Chúng tôi không thể kê một viên thuốc, lộ trình điều trị cho bệnh nhân bác sĩ phải ngồi chờ khoa dược đưa giấy đảm bảo lô thuốc chất lượng tốt, không có độc hại.
Bác sĩ chúng tôi khi cho bệnh nhân thuốc, chúng tôi biết rằng phải đủ điều kiện hàm lượng tốt chúng tôi không thể biết khoa dược, khoa vật tư đưa thuốc bằng đường nào, nguồn nào".
"Cảm thấy không thỏa đáng"
Khi tất cả các bác sĩ sẽ phải co mình lại phòng thân thì chịu hậu quả là người bệnh, BS Nguyệt tiếp tục bày tỏ nỗi hoang mang.
"Ai cũng có gia đình, người thân, nếu như chúng tôi cứ hết lòng vì bệnh nhân như bác sĩ Lương, nhưng không may nhỡ phải ngồi tù, thì ai sẽ lo cho gia đình và con cái của chúng tôi?"
Bà Bùi Thị Lương (tại TP. Hòa Bình), một người dân theo dõi cả hai lần xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương, nói bà thấy các chứng cứ của luật sư đưa ra không được cho vào bản án để gỡ tội cho bác sĩ Lương.
"Người Hòa Bình chúng tôi cảm thấy không thỏa đáng. Những lập luận của luật sư Phúc, Kiều, Thu Nam… gỡ tội cho Hoàng Công Lương đã không được chủ tọa tính đến."