Hàng chục tập đoàn công nghiệp lớn nhất châu Âu vừa kêu gọi Ủy ban châu Âu thắt chặt các quy định trợ cấp nhằm hạn chế tác động của hàng nhập khẩu giá rẻ Trung Quốc lên các nhà sản xuất thiết bị sử dụng hydro trong khu vực.
Trong một lá thư gửi cho chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào thứ Hai, 20 ông lớn công nghiệp châu Âu, bao gồm bao gồm Siemens Energy và Thyssenkrupp Nucera, đề nghị triển khai các tiêu chí “made-in Europe” để bảo vệ ngành công nghiệp nội. Họ cho rằng thiết bị từ các nhà sản xuất Trung Quốc đang có giá thấp hơn một nửa so với khu vực.
“Vị thế dẫn đầu của châu Âu đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đã đến lúc cần thay đổi chính sách thương mại, cạnh tranh và công nghiệp của châu Âu”, các công ty cho hay.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh EU có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. EU đã công bố mức thuế đối với xe điện nhập khẩu và điều tra thương mại đối với các nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời từ Trung Quốc.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị sử dụng hydro lớn nhất thế giới, chiếm 37% nguồn cung toàn cầu. Châu Âu đứng ở vị trí thứ 2.
Håkon Volldal, giám đốc điều hành của Nel Hydrogen, cho biết. “Nếu chúng ta không tạo ra nhu cầu về công nghệ châu Âu tại châu Âu, chúng ta sẽ lãng phí cơ hội để các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) châu Âu giành ưu thế”.
Các nhà sản xuất châu Âu muốn các bộ phận trong máy điện phân hydro được lắp ráp tại châu Âu trong phiên đấu thầu tiếp theo vào cuối năm nay của Ngân hàng hydro do EU thành lập.
Cuộc đấu giá đầu tiên vào tháng 4 đã làm dấy lên mối lo ngại trong ngành khi gần một phần ba số dự án trúng thầu không được phát triển bởi công nghệ châu Âu.
Xiaoting Wang, chuyên gia năng lượng, cho biết thêm: “Nếu không có rào cản thương mại, rất có thể các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ xuất khẩu rất nhiều sang châu Âu”. Ông cũng cảnh báo rằng các điều khoản sản xuất tại châu Âu có thể làm chậm quá trình triển khai và làm tăng chi phí.
Ủy ban châu Âu đã cam kết sản xuất 10 triệu tấn hydro tái tạo vào năm 2030 cũng như nhập khẩu thêm 10 triệu tấn. Đây là một phần trong nỗ lực cắt giảm 55% lượng khí thải nhà kính trong khối đến năm 2030.
Theo Financial Times