Lo sợ 10 tỷ USD vũ khí tan biến: Nga "đâm lao phải theo lao"?

Hoài Giang |

Kremlin sẵn sàng gánh chịu một "cú sốc tài chính" và hỗ trợ khách hàng trung thành, nhưng chưa chắc các nhà sản xuất Nga đã đủ năng lực để đối mặt với nó.

Chiến đấu cơ "mạnh nhất Nam Mỹ" đối đầu máy bay trinh sát Hoa Kỳ?

Sáng ngày 19/7, máy bay trinh sát của Hải quân Hoa Kỳ EP-3E Aries II (Mỹ tuyên bố rằng đang bay trên không phận quốc tế) đang cố gắng khai thác các tín hiệu liên lạc điện tử của "đối thủ tiềm năng" di chuyển trên vùng biển phía bắc Venezuela.

Bất ngờ vào lúc 11h30, máy bay chiến đấu đa năng hai động cơ Su-30MK2 'Flanker' do Nga chế tạo đã áp sát chiếc máy bay trinh sát một cách "đáng kinh ngạc", cảnh báo rằng nó đã không báo cáo kế hoạch bay với Vùng thông báo bay (FIR) Maquieta.

Sau khi vụ việc diễn ra, Bộ chỉ huy miền Nam Hoa Kỳ (SOUTHCOM) tuyên bố rằng máy bay đánh chặn đã có "hành vi đen tối" đối với EP-3.

Su-30 là máy bay phản lực nhanh và cơ động, nó có thể so sánh với F-15E 'Strike Eagle' của Mỹ và được cho là máy bay chiến đấu có năng lực cao nhất hiện có ở Nam Mỹ.

Hơn nữa, biến thể Su-30MK2 mà Venezuela hiện đang trang bị được bổ sung các cảm biến cải tiến để tăng cường khả năng hải chiến.

Lo sợ 10 tỷ USD vũ khí tan biến: Nga đâm lao phải theo lao? - Ảnh 1.

Su-30MK2 của Venezuela

Số nợ khổng lồ 10 tỷ USD của Venezuela

Theo chuyên gia Sébastien Roblin, Venezuela đã mua 24 chiếc Su-30MK2 từ 2006 đến 2012 với tổng giá trị hợp đồng 2,2 tỷ USD, đó chỉ là một phần trong số hàng tỷ USD vũ khí từ Nga trong giai đoạn 2006-2014.

Nhưng ngay cả khi nền kinh tế dầu mỏ của Venezuela đang hoạt động tương đối tốt, thì Venezuela chỉ có thể đủ khả năng mua sắm vũ khí bằng các khoản vay trong giai đoạn 2009-2014 với tổng trị giá 10 tỷ USD được Moscow gia hạn.

Sự dàn xếp này đã khiến cả hai bên rơi vào một "cái bẫy" do giá dầu giảm trong năm 2014, Venezuela đã không thể đủ khả năng thanh toán.

Cảnh quay được tờ Daily Mail bình luận là "Máy bay chiến đấu Venezuelan do Nga chế tạo "hung hăng chèn ép" một máy bay Mỹ

Lực lượng vũ trang Venezuela, Quân đội Nga thứ 2?

Trước khi chuyển sang lập trường chống Mỹ mạnh mẽ dưới thời ông Hugo Chavez, Caracas chủ yếu mua vũ khí từ châu Âu và Hoa Kỳ.

Hàng trăm xe tăng Pháp, hàng chục máy bay phản lực F-16 A/B Fighting Falcon của Mỹ (20 chiếc vẫn nằm trong trang bị mặc dù nguồn cung phụ tùng đã bị cắt đứt).

Lo sợ các hành động can thiệp của Mỹ trong tương lai, Venezuela đã kỳ vọng Nga, Trung Quốc và Cuba trở thành đồng minh thương mại, chính trị và quân sự.

Lo sợ 10 tỷ USD vũ khí tan biến: Nga đâm lao phải theo lao? - Ảnh 3.

Máy bay chiến đấu F-16 của Venezuela

Sự tích tụ quân sự sau đó không chỉ thể hiện ở các máy bay chiến đấu phản lực tiên tiến của Nga.

Quân đội Quốc gia Venezuela, chẳng hạn, đã mua 192 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B1V trong hai đợt trong năm 2009 và 2012, cũng như 130 xe chiến đấu bộ binh BMP-3M được trang bị tên lửa chống tăng và cả pháo 100 và 30 mm.

Mặc dù không theo tiêu chuẩn của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) hiện đại phương Tây, T-72 của Venezuela đã trở nên vượt trội so với hầu hết các quân đội khác ở Nam Mỹ.

Lo sợ 10 tỷ USD vũ khí tan biến: Nga đâm lao phải theo lao? - Ảnh 4.

Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-72 của Venezuela

Ví dụ như nước láng giềng Colombia gần như không có xe tăng (trang bị mạnh nhất của Colombia là xe tăng hạng nhẹ M3 Stuart từ thời Thế chiến 2).

Quân đội Venezuela đã mua một lượng lớn pháo tự hành của Nga bao gồm 36 hệ thống pháo phản lực BM-21 và BM-30, và 48 lựu pháo tự hành 2S19 Msta.

Nga cũng đã chuyển giao cho quốc gia Nam Mỹ hàng chục trực thăng vận tải Mi-17 và trực thăng vũ trang có khả năng tấn công đêm Mi-35 Hind.

Đối với phòng không, quân đội và lính thủy đánh bộ Venezuela cũng triển khai hệ thống phòng không S-300VM có tầm bắn lên đến 200 km và các hệ thống S-125 Pechora, Buk và Tor phục vụ phòng không tầm trung và ngắn, được hỗ trợ bởi hơn 300 pháo phòng không 23 mm.

Quân nhân và thủy quân lục chiến Venezuela được trang bị súng trường tấn công AK-103 hiện đại (các chi tiết gỗ được thay thế bằng polimer cao phân tử và khả năng điểm xạ 3 viên), súng chống tăng vác vai RPG-7 và tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Igla-S.

Lo sợ 10 tỷ USD vũ khí tan biến: Nga đâm lao phải theo lao? - Ảnh 5.

Hệ thống phòng không S-300VM của Venezuela

Vũ khí Trung Quốc

Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí thứ hai cho Venezuela, hàng tá máy bay vận tải Y-8 (có năng lực tương đương với C-130 của Mỹ), 24 máy bay phản lực huấn luyện có khả năng chiến đấu K-8 (Hongdu JL-8) và hàng chục xe bọc thép (APC) cho Thủy quân lục chiến Venezuela.

Ngoài ra còn có giả thuyết cho rằng Trung Quốc đã phải tạm hoãn cung cấp máy bay trực thăng chống ngầm Z-9 và máy bay huấn luyện/cường kích hạng nhẹ L-15 do khả năng thanh toán.

Trớ trêu thay, trong khi Venezuela có hỏa lực mạnh hơn nhiều so với các nước láng giềng trong khu vực, thì các lực lượng vũ trang nước này vẫn chưa thể làm yên lòng lãnh đạo trước mối đe dọa của quân Hoa Kỳ.

Lo sợ 10 tỷ USD vũ khí tan biến: Nga đâm lao phải theo lao? - Ảnh 6.

Máy bay vận tải Shaanxi Y-8F-200W của Venezuela

Một "cú sốc tài chính" đang chờ đợi Nga

Khó khăn kinh tế của Venezuela hiện tại đã khiến nước này không thể chi trả cho việc bảo trì và huấn luyện các hệ thống quân sự đắt đỏ nói trên, mặc dù đã cơ cấu lại các khoản vay ngắn hạn trở thành dài hạn (trả dần trong 10 năm) vào năm 2017.

Tuy nhiên, các "khoản đầu tư chiến tranh" của Moscow vào Venezuela vượt xa lợi ích thương mại vũ khí. Quốc gia Nam Mỹ đóng vai trò là tiền đồn mang tính biểu tượng đối với ảnh hưởng Nga ở Mỹ Latinh và nâng cao uy tín ngoại giao của Nga.

Trong tương lai, Venezuela cũng có thể đóng vai trò là "bàn đạp" cho các máy bay ném bom có ​​khả năng tấn công hạt nhân, một sự "răn đe" đối với Washington.

Nếu chính quyền của ông Maduro không còn cầm quyền, Moscow sẽ mất một đồng minh và đối mặt với sự thiếu đảm bảo hoàn trả số tiền đã vay.

Vào tháng 3/2019, hơn một trăm nhân viên quân sự của Nga đã hạ cánh xuống Caracas để giúp bảo trì vũ khí của Venezuela trước khi trở lại vào tháng 6/2019.

Lo sợ 10 tỷ USD vũ khí tan biến: Nga đâm lao phải theo lao? - Ảnh 8.

Các "kỹ thuật viên" Nga tại Caracas, Venezuela

Trước đó, nhiều cáo buộc cho rằng có tới 400 lính đánh thuê Nga đã từ Syria đến Venezuela sau khi Hoa Kỳ và một số chính phủ Nam Mỹ ủng hộ các nỗ lực của phe đối lập do ông Juan Guaido lãnh đạo nhằm lật đổ ông Maduro.

Bất chấp kinh tế khó khăn của Venezuela và các sức ép, lực lượng vũ trang của Venezuela vẫn trung thành với ông Maduro, người đã ưu tiên cho chi tiêu quân sự.

Theo SIPRI, ngoài ngân sách quân sự thông thường, trung bình hàng năm 25% ngân sách phát triển kinh tế của Venezuela được dành cho các dự án quân sự, với tổng trị giá 7,9 tỷ USD trong vòng 10 năm.

Chính vì vậy trong khi vũ khí của Venezuela có thể khiến Nga "mắc kẹt" và ít có khả năng ngăn chặn một cuộc xâm lược của Mỹ, nó đã có thể giúp nước này "răn đe" các quốc gia đối thủ tiềm năng trong khu vực và các ý định tổ chức đảo chính.

Hiện tại, có vẻ như Kremlin sẵn sàng gánh chịu một "cú sốc tài chính" để hỗ trợ khách hàng trung thành, nhưng chưa chắc các nhà sản xuất Nga đã đủ năng lực để đối mặt với nó.

Sébastien Roblin có bằng thạc sĩ về giải quyết xung đột tại Đại học Georgetown và từng là giảng viên đại học cho Peace Corps ở Trung Quốc.

Ông cũng đã làm việc trong lĩnh vực giáo dục, biên tập và tái định cư người tị nạn ở Pháp và Hoa Kỳ.

Máy bay ném bom Tupolev TU-160 của Nga hạ cánh xuống Venezuela ngày 10/12/2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại