PGS.TS Hoàng Sỹ Động: Cách 'giàu nhanh' của tỷ phú thế giới gợi ý tốt cho CMCN 4.0 tại VN

Ngọc Ánh (thực hiện) |

"Ai nắm được khoa học công nghệ người đó sẽ thắng, ai không nắm bắt được sẽ bị tụt lại phía sau."

LTS: Cũng như Internet xuất hiện tại Việt Nam cách đây hơn 20 năm, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 (gọi tắt là CMCN 4.0) cũng đang nhen nhóm tại nước ta. Với bùng nổ về khoa học, công nghệ, CMCN 4.0 hứa hẹn sẽ mang đến những cải cách và giá trị mới vượt trội trong quá trình CNH đất nước.

Đối với các quốc gia công nghiệp phát triển và nước công nghiệp mới, 4.0 là nền tảng, đưa quốc gia vươn lên tầm cao mới. Việt Nam chúng ta tất yếu không thể nằm ngoài 4.0 nếu không muốn bị tụt hậu. Vậy, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế như thế nào trước 4.0?

Cuộc trò chuyện với PGS. TS. Hoàng Sỹ Động, Chủ tịch hội đồng quản lý, Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ hợp tác kinh tế quốc tế, Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, sẽ phần nào sáng tỏ vấn đề trên.

Thưa PGS, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay được bàn luận rất nhiều, tuy nhiên còn nhiều bàn cãi, theo ông, nội hàm CMCN lần thứ 4 được hiểu và trình bày như thế nào cho đúng và dễ hiều?

PGS. TS. Hoàng Sỹ Động: Đây là một vấn đề khoa học mới, hiện đại và khó, vì vậy có rất nhiều nhà khoa học Việt Nam, cả trong các ngành khoa học kinh tế và khoa học công nghệ bàn luận nhiều, tuy nhiên còn nhiều bàn cãi. Sau đây là nội hàm cách mạng công nghiệp, cụ thể là cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được tôi trình bày đơn giản dưới đây:

Thứ nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 1.0, nội hàm đặc trưng của cuộc cách mạng này là cơ khí hóa. Đặc trưng cơ bản nhất là việc chế tạo ra động cơ hơi nước đã tạo ra cuộc cách mạng trong sản xuất và đi lại.

Cuộc cách mạng công nghiệp 2.0, nội hàm và đặc thù của cuộc cách mạng này là điện khí hóa mà Lê Nin đã có câu nổi tiếng "Điện khí hóa đi trước một bước" để cho thấy vị trí và vai trò của cuộc cách mạng 2.0.

Thứ ba là cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, nội hàm của cuộc cách mạng này là tự động hóa, nâng cao năng lực sản xuất, nhất là năng xuất tổng hợp.

Và chủ đề chính, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo tôi, nội hàm của cuộc CMCN 4.0 là tích hợp công nghệ số. Nhiều người đưa ra là cách mạng số nhưng như vậy là chưa đủ, mà phải là tích hợp công nghệ số vì nếu là công nghệ số thì ngay từ thập kỷ 80, 90, thế kỷ 20 trên thế giới đã có rồi.

Bản chất của công nghiệp 4.0 là tạo ra lý thuyết mới, phương pháp mới, công cụ mới và tạo ra giá trị mới khác biệt hơn hẳn cho sản xuất và dịch vụ của nhân loại.

PGS.TS Hoàng Sỹ Động: Cách giàu nhanh của tỷ phú thế giới gợi ý tốt cho CMCN 4.0 tại VN - Ảnh 1.

Thưa ông, cuộc CMCN 4.0 có tác động tới tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia trong quá trình Công nghiệp hóa để trở thành nước công nghiệp mới, vậy từ góc nhìn vĩ mô của ông, tác động của cuộc CMCN 4.0 tới nền kinh tế và sự phát triển kinh tế là gì?

PGS. TS. Hoàng Sỹ Động: Dựa trên cơ sở về khoa học chính trị và kinh tế học tôi nhận thấy tác động của cuộc CMCN 4.0 tác động chung toàn toàn thế giới, trong đó có Việt Nam và tác động của cuộc CMCN 4.0 như sau:

- Một là đổi mới nhanh về công nghệ khoa học dựa trên trí thức các nhà khoa học đã sáng tạo ra lý thuyết mới, phương pháp mới và đặc biệt là công cụ mới, ví dụ như người máy với trí tuệ nhân tạo vượt trội (AI), máy in 3D, kết nối mạng băng rộng,…được tích hợp công nghệ số tạo ra bước đột phá, nâng cao năng suất tổng hợp, cạnh tranh kinh tế xã hội mà chúng ta chưa từng thấy trong lịch sử phát triển của xã hội loài người.

- Hai là tiến bộ tích hợp công nghệ số giúp rút ngắn khoảng cách từ lý thuyết tới thực tiễn. Khoa học công nghệ tham gia trực tiếp vào sản xuất kinh doanh làm thay đổi nhận thức của hàng nghìn đời nay của nhân loại là ai chiếm được đất đai, hầm mỏ thắng bằng ai nắm được khoa học và công nghệ mới sẽ thắng.

- Ba là cuộc cách mạng 4.0 gắn liền với khoa học quản trị tiên tiến, tạo ra sự đột phá trong tăng năng suất tổng hợp và rút ngắn thời gian, xóa nhòa không gian, giúp con người giảm giờ làm, bớt nặng nhọc, an toàn hơn và gia tăng thụ hưởng giá trị tinh thần.

Nhắc tới CMCN 4.0, chúng ta cần nhận diện được cơ hội và thách thức đối với mô hình tăng trưởng và phát triển ở Việt Nam hiện nay cũng như trong tương lai. Vậy xin PGS cho biết đâu là cơ hội và thách thức chủ yếu tới kinh tế Việt Nam?

PGS. TS. Hoàng Sỹ Động: Nhiều người nghĩ rằng khi chúng ta áp dụng khoa học công nghệ sẽ làm người lao động mất việc làm, tuy nhiên, việc áp dụng khoa học công nghệ tạo ra nhiều hơn của cải, giảm giờ làm để con người được nghỉ ngơi.

Có thể thấy trong lịch sử con người, ban đầu là không có ngày nghỉ, sau đó là có ngày nghỉ Chủ Nhật rồi đến như bây giờ, chúng ta có 2 ngày nghỉ, thứ Bảy và Chủ Nhật, thậm chí ở một số nước có hơn 2 ngày nghỉ.

Mô hình tăng trưởng, phát triển của Việt Nam chúng ta vẫn dựa trên sự gia tăng quy mô về lượng là chính (cung tiền, lao động nhiều chất lượng thấp và mở rộng thị trường bất động sản, chứng khóan quá mức) thì việc triển khai CMCN 4.0 là hợp lý vì thay đổi mô hình nêu trên dựa vào chất lượng.

Tất nhiên khi áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng sẽ gây ra mất việc làm, nhưng đây cũng sẽ là cơ hội để người Việt Nam cần phải nâng cao tâm thế của mình, phải học hành nhiều hơn. Khoa học công nghệ sẽ đòi hỏi người lao động phải có tâm thế sẵn sàng và kỹ năng vững vàng hơn.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 giúp con người, doanh nghiệp, nhất là những người tài tích cực sáng tạo để làm giàu và tích lũy của cải vật chất hữu hình và vô hình nhanh hơn bất kỳ thời đại nào trong lịch sử phát triển của xã hội loài người bằng những cách làm mới, sản phẩm mới chưa có tiền lệ.

Trước đây, để trở thành một tỷ phú, người ta phải mất rất nhiều năm, nhưng ngày nay, việc trở thành tỷ phú có khi chỉ mất vài năm như chủ Facebook Mark Zackerberg, hay điển hình là tỷ phú nổi tiếng Bill Gates. Tất cả là nhờ công nghệ!

PGS.TS Hoàng Sỹ Động: Cách giàu nhanh của tỷ phú thế giới gợi ý tốt cho CMCN 4.0 tại VN - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Chính cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng bắt buộc các quốc gia, dân tộc, đặc biệt là các doanh nghiệp phải tổ chức nghiên cứu, từng con người trên hành tinh phải hoàn thiện mình, phát triển xã hội hiện đại, quản trị bằng thể chế văn minh, tiến bộ, phù hợp với sự phát triển xã hội ở tầm cao mới.

Như vậy đồng nghĩa với việc ai nắm bắt được khoa học công nghệ sẽ thắng, ai không nắm bắt được sẽ bị tụt lại phía sau.

Khoa học công nghệ 4.0 sẽ rút ngắn quá trình công nghiệp, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp mới. Đây là ước mơ và khát vọng của biết bao thế hệ người Việt Nam.

Bởi vì trên thế giới, có rất nhiều quốc gia, dân tộc thực hiện quá trình công nghiệp hóa đất nước nhưng chỉ một số ít mới trở thành nước công nghiệp phát triển hay là nước công nghiệp mới. Do vậy, những nước nào chưa trở thành nước công nghiệp hay nước công nghiệp mới thì thân phận của người dân và vị thế quốc gia còn nhỏ bé, mong manh.

Trong Cuốn "Thế giới phẳng" tác giả có cho rằng Thế giới hiện nay là phẳng, tuy nhiên tôi không đồng ý với ý này bởi Thế giới này vẫn được quyết định bởi những người tiên tiến (nhà khoa học, nhà chính trị và nhà quản trị tài năng), những doanh nghiệp nguồn lực cao, trưởng thành.

Theo đánh giá của ông, những ngành nghề nào tại Việt Nam có tiềm năng áp dụng và phát triển công nghệ 4.0? Ngành nào chịu "lép vế" trước làn sóng công nghệ cao này?

PGS.TS Hoàng Sỹ Động: Cách giàu nhanh của tỷ phú thế giới gợi ý tốt cho CMCN 4.0 tại VN - Ảnh 4.

PGS. TS. Hoàng Sỹ Động: Chúng ta đang ưu tiên rất nhiều, tuy nhiên một quốc gia chỉ có tiềm năng, lợi thế ở một số ngành, phân ngành, ở các sản phẩm nhất định, từ đó chúng ta khai thác tiềm năng lợi thế tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất để đem lại giá trị tốt hơn.

Theo quan điểm cá nhân thì không có ngành nào là chiếm thế thượng phong và cũng không có ngành nào là "lép vế" hoàn toàn.

Tuy nhiên, chúng ta cần đưa ra một bộ tiêu chí để lựa chọn ngành, phân ngành và các sản phẩm tiềm năng lợi thế của đất nước để tập trung sản xuất, kinh doanh cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới nhiều thách thức và cơ hội đan xen.

Được biết ông có các công trình, bài báo khoa học công bố về cầu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Vậy vì sao ông xác định rằng phát triển hệ thống đổi mới quốc gia về Khoa học và Công nghệ trong cách mạng 4.0 là quan trọng đặc biệt?

PGS. TS. Hoàng Sỹ Động: Tôi là ở thế hệ cũ, nghiên cứu ở Đông Âu, rất nhiều người ở Đông Âu, trong đó có người VN đều biết rằng khoảng cách từ nghiên cứu thành công về lý thuyết tới áp dụng trên thực tiễn là rất dài. Nhưng ở các nước tư bản thì khác hẳn, nó ngắn hơn. Nguyên nhân theo tôi là do cả về lý luận và đặc biệt là vì thực tiễn chứng minh, mà hiệu quả kinh tế là thước đo quan trọng.

Khi học tập và nghiên cứu tại Đại Học Quốc Gia Seoul năm 2010 tôi mới thực sự hiểu thế nào là Hệ thống đổi mới của quốc gia về Khoa học và Công nghệ. Tôi đã nhận ra được thành phần tham gia và nguyên nhân vì sao các nước phát triển rút ngắn được khoảng cách.

Ở các nước phát triển, hệ thống đổi mới được vận hành bởi ba thành phần: Tổ chức nhà nước, Tổ chức các nhà khoa học ở các trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp tham gia vào. Các doanh nghiệp giữ vị trí, vai trò quyết định, là người dẫn dắt sản xuất và kinh doanh đem lại lợi ích cho cả 3 tổ chức do đó cả 3 thành phần này cùng thắng vì cùng tham gia làm và tạo ra giá trị mới.

Thưa PGS, ông đã từng nghiên cứu và đặc biệt là khảo sát thực tiễn về tình hình phát triển một số quốc gia dựa trên nền tảng cuộc CMCN tích hợp công nghệ số. Vậy xin ông chia sẻ suy nghĩ của mình về việc phát triển này trong mối quan hệ với Việt Nam?

PGS. TS. Hoàng Sỹ Động: Quá trình phát triển của loài người chỉ có thể rút ngắn chứ không thể bỏ qua được giai đoạn nào cả.

Vì vậy Việt Nam cũng phải đi theo theo tiến trình ấy. Tuy nhiên quá trình công nghiệp hóa đất nước có thể được rút ngắn lại nhờ sử dụng hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ của nhân loại và hạn chế sai lầm từ các nước đi trước mà cụ thể ở đây là cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Chúng ta phải hoàn thiện Hệ thống đổi mới quốc gia về Khoa học Công nghệ mà ở đó 3 thành phần tham gia cùng thắng, mới triển khai hiệu quả được R&D, I&D và quản trị tinh gọn, yếu tố quyết định nâng cao cạnh tranh bằng năng suất tổng hợp, khắc phục hạn chế cơ bản của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Đây là khó khăn mà chưa có nhiều người Việt Nam chúng ta hiểu hết được vấn đề này.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại