Khi thế giới đang tìm kiếm một nguồn năng lượng đáng tin cậy không có carbon, năng lượng hạt nhân đang dần quay trở lại. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, quốc gia này cần 200 gigawatt (GW) công suất năng lượng hạt nhân, nếu muốn đạt mức phát thải ròng cacbon bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, các ước tính hiện tại cho thấy, công suất năng lượng hạt nhân chỉ 95 GW, đóng góp 18% cho nhu cầu năng lượng của Mỹ. Công suất này có được là nhờ vài lò phản ứng hạt nhân lớn được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước. Gần đây, ngành công nghiệp hạt nhân ở Mỹ gặp nhiều khó khăn với sự chậm trễ và chi phí vượt mức.
Vì thế, mới đây, công ty khởi nghiệp Nano Nuclear Energy trụ sở tại Mỹ cho ra mắt thiết kế lò phản ứng hạt nhân mô-đun kiểu nhỏ có công suất phát điện dưới 20 megawatt (MW). Nó có thể giúp cung cấp năng lượng sạch cho các địa điểm ở vùng sâu vùng xa tại Mỹ.
Theo Nano Nuclear Energy, công nghệ này tương tự như lò phản ứng hạt nhân được sử dụng trên các tàu hải quân. Nó cũng có thể được triển khai để khử cacbon trong các lĩnh vực công nghiệp khác như khai thác mỏ hay vận chuyển.
Thông thường, các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở quy mô lớn, điều này làm tăng chi phí, và thời gian cho việc thiết lập cơ sở, trước khi nó có thể bắt đầu hoạt động. Vì thế, lò phản ứng hạt nhân mô-đun kiểu nhỏ này có thể được xem là phiên bản thu nhỏ của nhà máy phản ứng phân hạch hạt nhân, giúp giảm nhiều chi phí liên quan đến việc xây dựng.
Công ty khởi nghiệp Nano Nuclear Energy cho rằng, các lò phản ứng hạt nhân mô-đun kiểu nhỏ này sử dụng nhiên liệu uranium HALEU chứa hàm lượng uranium-235 tới 20%. Hàm lượng này cao hơn so với mức được sử dụng trong các lò phản ứng hạt nhân thông thường.
Nano Nuclear Energy cũng đang tìm cách bắt đầu sản xuất Haleu tại cơ sở của mình ở Mỹ. Địa điểm xây dựng cơ sở này vẫn chưa được tiết lộ, nhưng được chính phủ liên bang Mỹ cấp phép.
Kết cấu lò phản ứng mô-đun kiểu nhỏ này vừa với một container vận chuyển tiêu chuẩn, vì thế nó dễ dàng được vận chuyển đến các địa điểm xa xôi, nơi không có cơ sở hạ tầng năng lượng thông thường, cũng như khó thiết lập các dự án năng lượng tái tạo.