Sputnik đưa tin, quân đội Đan Mạch mới đây đã tìm cách tăng cường năng lực phát hiện ra tàu ngầm bằng cách mua một hệ thống phát hiện tàu ngầm tối tân do Mỹ sản xuất theo một hợp đồng trị giá tới 190 triệu USD.
Công nghệ mới bao gồm 9 thiết bị phát hiện tàu ngầm có thể được lắp đặt trên các máy bay trực thăng Seahawk của quân đội Đan Mạch. Những thiết bị này còn có thể được đưa xuống nước giúp cung cấp một cái nhìn rõ ràng hơn về những gì đang bị che giấu dưới mặt nước biển.
Ngoài ra, Đan Mạch cũng sẽ triển khai 600 phao phát hiện tàu ngầm trong một khu vực lãnh hải rộng hơn hiện tại.
"Đây thực chất là một phần của những gì mà NATO đang kêu gọi chúng tôi phát triển. Vì vậy không nghi ngờ gì, trình độ của chúng tôi sẽ được nâng lên một tầm cao mới một khi mọi việc được thực hiện", Phó Đô đốc Torben Mikkelsen – người đứng đầu Hải quân Đan Mạch cho hay.
Cũng theo ông Mikkelsen, hệ thống trên sẽ giúp khẳng định tầm quan trọng của Đan Mạch trong những nỗ lực của NATO nhằm giám sát hạm đội tàu ngầm của Nga đang hoạt động tại Biển Baltic, xung quanh đảo Greenland và Quần đảo Faroe, cũng như khu vực Bắc Cực.
Nhà phân tích quân sự đến từ Học viên Quốc phòng Đan Mạch Anders Puck Nielsen chia sẻ cùng nhận định trên.
Bên cạnh đó, theo ông, câu hỏi đặt ra hiện giờ là, liệu Đan Mạch đã có thể tham gia vào một số chiến dịch của Mỹ, Anh và Pháp tại GIUK Gap – khu vực biển có vị trí trọng yếu nằm giữa Greenland, Iceland và Anh?
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen cho rằng, "một tình huống địa chính trị đang ngày càng xấu đi" đã khiến Copenhagen phải nâng cao năng lực phòng thủ của mình tại bắc Đại Tây Dương.
Vào cuối tháng 8, Đan Mạch quyết định tái triển khai 4 máy bay F-16 nhằm "giúp duy trì chủ quyền không phận" tại khu vực Baltic. Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod gọi đó là "một dấu hiệu rõ ràng cho sự đoàn kết của NATO".
4 máy bay F-16 và một 60 nhân sự đi kèm sẽ được gửi tới Baltic trong 3 tháng để tham dự sứ mệnh Tuần tra không phận Baltic của NATO. Các nước Baltic không thể tuần tra không phận của chính mình do họ không sở hữu bất kỳ phi cơ chiến đấu nào.