Lộ người liên quan vụ giao 'đất vàng' cho FLC; nữ chủ tịch vừa lấy quốc tịch Mỹ là ai?

Duy Phạm |

Nữ Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo vừa lấy quốc tịch Mỹ; 4 doanh nghiệp bán bảo hiểm qua ngân hàng sai phạm ra sao?; 'Thay ghế' chủ tịch doanh nghiệp nhóm Apec; Giao hơn 11.000 m2 'đất vàng' không qua đấu giá cho FLC;... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.

Công bố sai phạm của 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ

Ngày 30/6, Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng tại 4 doanh nghiệp: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.

Lộ người liên quan vụ giao đất vàng cho FLC; nữ chủ tịch vừa lấy quốc tịch Mỹ là ai? - Ảnh 1.

Theo kết luận thanh tra, thời gian qua thị trường bảo hiểm nói chung và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng có sự tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng.

Năm 2022, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Kết quả công tác thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng còn nhiều sai phạm. Trong đó, khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới sai phạm nhiều nhất.

Các hành vi vi phạm điển hình như: Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp. Ngân hàng không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm. Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng máy tính bảng, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Nữ Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo đã lấy quốc tịch Mỹ

Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã chứng khoán: ITA) gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và các cơ quan có thẩm quyền công bố thông tin về việc ủy quyền thực hiện công bố thông tin.

Theo đó, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo ủy quyền cho bà Đặng Thị Hoàng Yến hay còn gọi là Maya Dangelas - Chủ tịch Hội đồng quản trị ITA - sẽ là người công bố thông tin liên quan đến vụ kiện ra trọng tài quốc tế về việc vi phạm phá vỡ hợp đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Lộ người liên quan vụ giao đất vàng cho FLC; nữ chủ tịch vừa lấy quốc tịch Mỹ là ai? - Ảnh 2.

Đặng Thị Hoàng Yến đang mang quốc tịch Mỹ và có địa chỉ thường trú tại thành phố Houston, bang Texas.

Đáng chú ý, trong văn bản công bố thông tin của Tập đoàn Tân Tạo thể hiện bà Đặng Thị Hoàng Yến đang mang quốc tịch Mỹ và có địa chỉ thường trú tại thành phố Houston, bang Texas. Động thái này của Tân Tạo diễn ra sau khi tập đoàn này thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 24 với việc bà Đặng Thị Hoàng Yến không còn là người đại diện theo pháp luật kể từ ngày 10/6.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc thanh lý hợp đồng cho thuê đất dài hạn xây dựng Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết vì nguyên nhân bất khả kháng nên dự án nhiệt điện Kiên Lương bị loại khỏi danh sách các dự án nguồn điện vận hành 2016 - 2023.

Do đó, ITA và Công ty CP Phát triển Năng lượng Tân Tạo không có cơ sở triển khai dự án. Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo quyết định thanh lý hợp đồng để thu hồi lại đất, có kế hoạch triển khai các dự án khả thi trong tương lai nhằm giảm thiệt hại cho cổ đông và nhà đầu tư trong, ngoài nước.

“Tân Tạo chỉ là đơn vị cho thuê đất và việc dự án nhiệt điện Kiên Lương bị đình chỉ khiến cho Công ty CP Phát triển Năng lượng Tân Tạo không thể thanh toán tiền thuê đất, mặt bằng đất đai đã đầu tư hàng trăm triệu USD bỏ hoang lãng phí. Tòa án Paris đã công bố việc chúng ta thắng kiện được bồi thường tiền pháp lý và bước tiếp theo Tòa án quốc tế sẽ quyết định mức bồi thường thiệt hại chúng ta đang yêu cầu trong khoảng 2,5 - 3,3 tỷ USD”, bà Yến nói.

'Thay ghế' chủ tịch doanh nghiệp nhóm Apec

Trên thị trường chứng khoán, CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (mã APS), CTCP Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) được biết đến là các doanh nghiệp thuộc nhóm Apec (Apec Group). Cả 3 doanh nghiệp vừa công bố thông tin bổ nhiệm nhân sự mới vào ghế chủ tịch, thay cho lãnh đạo cũ bị bắt.

Lộ người liên quan vụ giao đất vàng cho FLC; nữ chủ tịch vừa lấy quốc tịch Mỹ là ai? - Ảnh 3.

Tại APS, Hội đồng quản trị (HĐQT) quyết định bãi nhiệm ông Phạm Duy Hưng khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông Vũ Trọng Quân - thành viên HĐQT được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, APS cũng bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Huy - thành viên HĐQT là người phụ trách công bố thông tin và bà Lã Thị Quy đảm nhiệm vị trí phụ trách kế toán kể từ ngày 29/6.

HĐQT API đã thông qua bãi nhiệm bà Nguyễn Thị Thanh khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Thay vào đó, bầu ông Nguyễn Văn Ly - thành viên HĐQT đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, đồng thời là người phụ trách công bố thông tin của công ty.

Đối với IDJ, HĐQT quyết định bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Phạm Duy Hưng, và bầu ông Vũ Trọng Quân - thành viên HĐQT đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Ngày 28/6, ông Phạm Duy Hưng, bà Nguyễn Thị Thanh cùng 3 bị can khác đã bị Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015. Vợ chồng ông Nguyễn Đỗ Lăng cũng bị bắt tạm giam. Với nhóm Apec, cái tên được nhắc đến nhiều nhất, có mối liên quan mật thiết là ông Nguyễn Đỗ Lăng. Ông Lăng là người sáng lập Apec Group và hiện là thành viên Hội đồng quản trị của API, IDJ và thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc APS.

Giao hơn 11.000 m2 'đất vàng' không qua đấu giá cho FLC

Việc giao đất không qua đấu giá nói trên sau đó đã được cơ quan Thanh tra khẳng định là không đúng quy định, dẫn đến nguy cơ làm thất thoát ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, lần giao đất đầu tiên là tại Quyết định số 2277 (ngày 21/7/2014) về việc giao đất có thu tiền đất sử dụng; cho thuê đất thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ, thương mại, nhà ở chung cư cao tầng cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (sau đây gọi tắt là FLC- PV) tại Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến ký.

Lộ người liên quan vụ giao đất vàng cho FLC; nữ chủ tịch vừa lấy quốc tịch Mỹ là ai? - Ảnh 4.

Hiện trạng dự án Khu nhà ở sinh thái FLC Thanh Hóa.

Nội dung quyết định này nêu: Giao cho FLC 4.200m2 đất tại Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa để thực hiện dự án Toà nhà hỗn hợp dịch vụ, thương mại, nhà ở chung cư cao tầng (sau này đổi tên là Dự án Khu nhà ở sinh thái xanh FLC) với hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; Đồng thời, cho FLC thuê 11.822,5m2 đất tại khu đô thị Nam TP Thanh Hóa để thực hiện dự án Khu nhà thương mại và khuôn viên cây xanh, hành lang khu vực quanh 2 tòa nhà, với hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần.

Đến ngày 22/10/2015, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 4228 thay thế cho Quyết định số 2277. Theo đó, quyết định 4228 có nội dung FLC được giao 15.184m2 có thu tiền sử dụng đất và 287,5m2 đất cho thuê tại Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa để FLC thực hiện dự án.

Tiếp đó, ngày 1/9/2017, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục ký Quyết định số 3288 điều chỉnh Điều 1 của Quyết định số 4228. Cụ thể, nội dung sau điều chỉnh tại quyết định là: Giao 15.471,5m2 đất cho FLC để thực hiện dự án Khu nhà ở sinh thái xanh FLC, trong đó giao 11.566,8m2 đất có thu tiền sử dụng đất; phần diện tích 3.904,7m2 đất đường giao thông nội bộ giao cho FLC quản lý xây dựng công trình theo quy hoạch.

Ông Phạm Khánh Phương bị phạt vì mua 'chui' cổ phiếu

Ủy ban chứng khoán Nhà nước vừa thông báo về quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Phạm Khánh Phương. Tổng số tiền xử phạt là 245 triệu đồng vì nhiều lỗi vi phạm như mua "chui" cổ phiếu, không báo cáo việc trở thành cổ đông lớn tại SJC...

Trong đó, ông Phạm Khánh Phương bị phạt 150 triệu đồng vì không đăng ký chào mua công khai theo quy định pháp luật. Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 23/6/2022 đến 28/10/2022, ông Khánh Phương đã mua 3,1 triệu cổ phiếu của CTCP Sông Đà 1.01 (mã SJC) làm tăng tỷ lệ nắm giữ từ 0% lên 45,5%.

Ngày 23/12/2022, ông Khánh Phương đã thực hiện giao dịch mua 100.000 cổ phiếu SJC và bán 21,8 nghìn cổ phiếu SJC, làm tăng tỷ lệ nắm giữ từ 1,7 triệu cổ phiếu SJC (tương ứng 24,69%) lên 1,79 cổ phiếu SJC (tương ứng 25,81%) nhưng không thực hiện đăng ký chào mua công khai.

Ngoài chịu phạt tiền, nam ca sĩ còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc từ bỏ quyền biểu quyết trực tiếp, hoặc thông qua đại diện được ủy quyền trên số cổ phần có được từ hành vi vi phạm. Ông Khánh Phương phải bán cổ phiếu để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới mức phải chào mua công khai đối với hành vi vi phạm trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày quyết định áp dụng (26/6).

Doanh nghiệp ồ ạt cắt giảm lao động

Theo thống kê Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong nửa đầu năm, đã có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc lên tới 279.409 người, 195.039 người bị giảm giờ làm, hơn 17.003 người nghỉ không lương...

Lộ người liên quan vụ giao đất vàng cho FLC; nữ chủ tịch vừa lấy quốc tịch Mỹ là ai? - Ảnh 5.

Dệt may là ngành có số lượng lao động mất việc nhiều nhất hiện nay.

Lao động mất việc nhiều nhất tập trung ngành dệt may, sau đó đến da giày (31.600 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (45.000 người). Nơi có lao động mất việc nhiều nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

Dệt may cũng là lĩnh vực công nhân bị giảm giờ làm nhiều nhất, kế đến là da giày (66.000 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (24.800 người), chế biến thủy, hải sản (gần 6.000 người), chế biến gỗ (5.400 người). Lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.000 người.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nguyên nhân tình trạng cắt giảm lao động là do doanh nghiệp thiếu đơn hàng khi kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân… Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất được, không có đơn hàng mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại