Canberra lên kế hoạch cung cấp cho lực lượng hải quân tên lửa chống hạm tầm xa hiện đại, tên lửa đất đối không được mở rộng tầm bắn, ngư lôi hạng nhẹ tiên tiến cùng các năng lực hàng hải và tác chiến nhằm "bảo vệ và duy trì quyền kiểm soát biển".
"Những năng lực mới này sẽ cung cấp khả năng răn đe mạnh mẽ, đáng tin cậy để có thể đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực" – Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds nhấn mạnh.
Đợt chi tiêu này là một phần trong kế hoạch gia tăng ngân sách quốc phòng cho thập kỷ tới, đã được thông báo trước đây, nhằm hướng sự tập trung của quân đội sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giữa lúc quan hệ Canberra-Bắc Kinh ngày một xấu đi.
Chính phủ Úc tuyên bố sẽ cung cấp tên lửa chống hạm và đất đối không với tầm bắn hơn 370 km, cùng tên lửa tấn công mục tiêu trên đất liền và biển với tầm bắn 1.500 km để "củng cố năng lực bảo vệ các nguồn tài nguyên hàng hải và biên giới của Úc, đồng thời khiến các mục tiêu thù địch gặp rủi ro ở khoảng cách xa hơn".
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds. Ảnh: Reuters
Quan hệ Canberra-Bắc Kinh thời gian qua căng thẳng vì nhiều vấn đề, trong đó có Covid-19 và biển Đông.
Chính quyền Thủ tướng Scott Morrison hồi tháng 4-2020 kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc và cách ứng phó Covid-19 giai đoạn đầu. Trung Quốc nổi giận với động thái này, gọi đây là một bước đi chính trị chống lại họ.
Kể từ đó, Bắc Kinh triển khai nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Canberra, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và than đá. Đáp lại, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố quốc gia của ông sẽ không cúi đầu trước sức ép kinh tế.
Trong cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng 11-2020, Thủ tướng Morrison ngầm chỉ trích Trung Quốc vì "những nước đi đơn phương và làm bất ổn khu vực biển Đông", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Thủ tướng Úc Scott Morrison. Ảnh: Reuters