Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy theo gần 5.000km qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam trước khi hòa vào biển Đông- một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới và cũng là trọng tâm của chiến lược an ninh và thương mại của Bắc Kinh đối với các nước láng giềng.
Biển Đông và Ấn Độ Dương là hai khu vực chính để Bắc Kinh triển khai tham vọng phát triển hải quân. Thái Bình Dương và sông Mekong, với những lợi thế chiến lược riêng, có thể là đích ngắm tiếp theo của Trung Quốc. Trong một bài phân tích gần đây, Viện nghiên cứu Lowy của Úc đánh giá sông Mekong là “phần thưởng tiếp theo mà Bắc Kinh muốn có”.
Là dòng sông dài thứ 12 thế giới, Mekong là dòng chảy quan trọng đối với 60 triệu dân sống dọc hai bên bờ. Nhưng nhiều đập thủy điện mà Trung Quốc xây dựng trên phần thượng nguồn đang đe dọa nghiêm trọng nhiều cộng đồng dân cư dưới hạ nguồn.
“Các đập thủy điện Trung Quốc giờ có thể điều tiết dòng chảy sông Mekong. Tác động lên nguồn lương thực và cuộc sống của người dân giờ rất nghiêm trọng, nhưng có thể tồi tệ hơn nhiều nếu tất cả 11 đập thủy điện lớn, mà một nửa trong số đó liên quan đến Trung Quốc, cùng vận hành”, Viện Lowy cảnh báo.
Mới đây nhất, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc thông báo, trong thời gian tiến hành các hoạt động thử nghiệm, đập Cảnh Hồng giảm lượng xả từ ngày 1-4/1/2020, trong bối cảnh tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đang diễn biến nghiêm trọng. Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT Việt Nam cho biết, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong hiện ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm cùng kỳ và thấp hơn năm 2015 (năm xảy ra hạn lịch sử).
Chính phủ Thái Lan ngày 31/12/2019 cảnh báo 8 tỉnh của nước này nằm dọc sông Mekong sẽ thiếu nước khi Trung Quốc thử đập thủy điện Cảnh Hồng. Hoạt động thử đập diễn ra trong thời điểm Thái Lan đang đối phó với một đợt hạn hán nghiêm trọng.
Tháng 7 năm ngoái, các trạm bơm nước tưới tiêu ở đông bắc Thái Lan không thể tiếp cận nguồn nước sông, khiến Thái Lan phải huy động quân đội vào cuộc. Những bức ảnh chụp nhiều con cá di cư mắc cạn ở Thái Lan và Lào gây xôn xao trên mạng xã hội, làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc ai phải chịu trách nhiệm.
Và các đập thủy điện chỉ là một vế của phương trình. Bắc Kinh còn đang loại bỏ các bãi đá, đảo nhỏ và ghềnh trên sông để tạo nên tuyến vận chuyển đường thủy qua trái tim của lục địa Đông Nam Á xuống tận Lào, trong khuôn khổ Dự án cải tạo kênh dẫn đường sông Mekong.
“Việc Bắc Kinh kiểm soát các dòng sông ở Đông Nam Á dường như là một phần của chiến lược cắt lát salami trong khu vực”, Viện Lowy cảnh báo. Cắt lát salami là khái niệm giới chuyên gia thường sử dụng để chỉ chiến thuật của Trung Quốc trên biển Đông hòng từng bước kiểm soát hoàn toàn vùng biển quan trọng này.
Khi dự hội nghị của ASEAN vào tháng 8 năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ quan ngại Trung Quốc xây nhiều đập, nạo vét và tiến hành các hoạt động khác trên sông Mekong là “những xu hướng phiền toái”.
“Chúng tôi thấy một loạt công trình xây dựng đập trên thượng nguồn để kiểm soát dòng chảy xuống hạ lưu. Dòng sông này đã xuống mức nước thấp nhất trong thập kỷ qua - vấn đề liên quan đến quyết định của Trung Quốc trong việc chặn nước ở thượng nguồn. Trung Quốc cũng có kế hoạch cho nổ mìn và nạo vét lòng sông. Trung Quốc tiến hành các hoạt động tuần tra ngoài lãnh thổ”, ông Pompeo nói.