Mặc dù ít có khả năng xảy ra nhưng các quan chức quân đội đã thảo luận về việc họ sẽ làm gì nếu Tổng thống Trump tuyên bố thiết quân luật. Các chỉ huy quân sự ở Washington DC cũng tham gia vào việc lên kế hoạch bí mật này phòng tình huống bất ngờ xảy ra khi các lực lượng vũ trang được triệu tập để duy trì hoặc khôi phục trật tự xã hội trong lễ nhậm chức và quá trình chuyển giao. Theo một quan chức giấu tên nhận định với Newsweek, Nhà Trắng và các đồng minh trung thành trong Lầu Năm Góc của ông Trump đều không được tiếp cận kế hoạch này do lo ngại nó có thể bị khai tử "từ trong trứng nước".
"Tôi đã làm việc trong quân đội trong hơn 40 năm và tôi chưa từng thấy những cuộc thảo luận như hiện nay cũng như nhu cầu cần có các cuộc thảo luận này", một sĩ quan về hưu, hiện là một nhà thầu quân sự chuyên tư vấn cho các lãnh đạo cấp cao Lầu Năm Góc cho hay.
Nhiều quan chức quân đội đều có quan điểm chung rằng không có bất kỳ kế hoạch nào có thể đảo chiều kết quả bầu cử, song họ cũng bày tỏ lo ngại quân đội có thể mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng do ông Trump gây ra, đặc biệt nếu Tổng thống cố gắng triệu tập các đồng minh trong quân đội với nỗ lực làm gián đoạn quá trình chuyển giao hoặc gây bất ổn ở thủ đô Washington.
"Hiện nay, do đại dịch Covid-19, Tổng thống thực sự có những quyền đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp chưa từng có tiền lệ, nên một số người có lẽ sẽ thuyết phục ông ấy rằng, ông ấy có quyền lực vô hạn và đứng trên luật pháp", một luật sư quân đội đã nghỉ hưu nhận định.
"Tuy nhiên, việc thiết quân luật là một quyết định sai làm nếu cân nhắc đến những rủi ro phía trước". Mặc dù Tổng thống Mỹ có quyền lực như một Tổng Tư lệnh quân đội nhưng mặt trái của việc thiết quân luật là sự liên quan và đồng lõa của các quan chức ủng hộ những động thái bất hợp pháp của Tổng thống.
Trước đó, Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy và Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ James McConville đã đưa ra một tuyên bố chung ngày 18/12 rằng: "Quân đội Mỹ không có vai trò trong việc quyết định kết quả cuộc bầu cử Mỹ"./.