Lo ngại tăng phí khi giao dịch ATM bằng căn cước công dân

Khánh Linh |

Chi phí lắp đặt thêm thiết bị là rào cản lớn khiến các ngân hàng lo ngại trên lộ trình thực hiện phổ biến giao dịch ATM bằng căn cước công dân.

Từ hơn 1 tháng nay, người dân có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip để rút tiền tại một số cây ATM. Tuy chưa nhiều điểm chấp nhận, nhưng người dân có thể sử dụng dịch vụ này tại khoảng 10 cây ATM tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Rút tiền bằng mã QR của ứng dụng ngân hàng trên điện thoại thông minh, rút tiền bằng nhận diện khuôn mặt hoặc sinh trắc vân tay và hiện là rút tiền bằng thẻ căn cước công dân. Càng nhiều phương thức xác thực thì càng tiện ích, đó cũng là mong muốn của khách hàng.

"Rất là ủng hộ việc bổ sung thêm nhiều tính năng cho căn cước công dân, như vậy từ nay mình không cần phải mang quá nhiều loại giấy tờ đi nữa", một người dân ở quận Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ.

Lo ngại tăng phí khi giao dịch ATM bằng căn cước công dân - Ảnh 1.

Khách trải nghiệm rút tiền bằng căn cước công dân tại hệ thống ngân hàng tự động. (Ảnh: NLĐ)

"Với những người trẻ có nhiều phương thức khác nhau để thanh toán như ví điện tử, chuyển tiền qua ngân hàng hoặc nhận diện khuôn mặt, những cách thức đấy không hề mất phí", một người dân ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết.

Để có thể giao dịch được thẻ căn cước công dân tại cây ATM, mỗi cây cần lắp đặt thêm thiết bị đọc thông tin của con chip gắn trên căn cước công dân. Nếu phủ rộng dịch vụ giao dịch trên, ngân hàng cũng phải tính tới một khoản chi phí không nhỏ.

Toàn hệ thống ngân hàng hiện có hơn 20.000 cây ATM. Trong những năm gần đây, giao dịch qua ATM cũng giảm đáng kể do các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Vì vậy, khoản tiền đầu tư thêm thiết bị cho mỗi cây ATM là một bài toán.

"Mọi tiện ích cho người dân sử dụng là rất tốt. Tuy nhiên vấn đề là tiện ích có làm tăng chi phí của người dân hay không? Ai bỏ tiền để đầu tư thiết bị đầu cuối của các cây ATM. Nếu không tăng chi phí thì khuyến khích, còn nếu tăng chi phí thì cân nhắc cho phù hợp", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhận định.

Mỗi năm, Việt Nam lại phát hành thêm khoảng 5 triệu chiếc thẻ ATM mới, với chi phí phát hành khoảng 250 tỷ đồng. Con số này hoàn toàn có thể giảm đáng kể khi nhu cầu mở thẻ giảm xuống vì đã có căn cước công dân gắn chip.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cần thêm nhiều tiện ích sử dụng cho người dân, như được thanh toán tại các máy POS hay được rút tiền ở bất cứ máy ATM nào của bất kỳ ngân hàng nào...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại