Bình quân mỗi tuần, các bệnh viện TPHCM tiếp nhận khoảng 300 - 450 ca SXH. Đáng lo ngại hơn là TPHCM vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi 7 tuổi tại Q.12 bị tử vong vì SXH. Dự báo sắp tới tình hình dịch SXH sẽ còn diễn biến phức tạp và đỉnh điểm của dịch bệnh có thể rơi vào tháng 10.
Đã có ca tử vong do SXH
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM thì tại TPHCM vừa ghi nhận một trường hợp bị tử vong so bệnh SXH. Bác sĩ Vũ Đức Diễn (TTYTDP Q.12) cho biết, đó là trường một bệnh nhi 7 tuổi tại phường Hiệp Thành, Q.12.
Theo đó, bệnh nhi là bé gái, bị SXH, được gia đình cho đi bệnh viện theo dõi. Mặc dù các bác sĩ đã tích cực điều trị, kê đơn thuốc theo phác đồ điều trị nhưng bé đã tử vong ở ngày thứ 6 của quá trình bệnh.
Từ đầu năm 2018 đến nay, tại TPHCM ghi nhận có khoảng 6.000 ca nhập viện vì SXH, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, TPHCM đang bắt đầu mùa mưa nên tình hình bệnh SXH trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu tăng cao khiến người dân lo ngại, dự báo đỉnh điểm dịch SXH rơi vào khoảng tháng 10.
Theo TTYTDP TPHCM, trung bình mỗi tuần hiện nay thành phố có khoảng 350 trường hợp nhập viện do mắc SXH, có tuần lên đến 450 trường hợp.
Anh Trần Công Trình (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: “Thông tin có người tử vong do SXH khiến tôi lo ngại về khả năng mắc bệnh cao đối với 2 con nhỏ hiện nay. Do vậy, gia đình tôi đã chủ động tiến hành vệ sinh sạch sẽ bể cá, bình bông, lu chứa nước, dọn sạch nhà cửa, điểm dễ phát sinh lăng quăng phòng chống SXH và ngủ mùng cho an toàn”.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số khu dân cư, điểm chợ tự phát… trên địa bàn Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 12… vẫn tồn tại thực trạng vệ sinh không đảm bảo, nhiều rác thải sinh hoạt, có vũng nước đọng lại tiềm ẩn nguy cơ muỗi đẻ trứng. Ngoài ra, tồn tại một số hộ gia đình thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh như để chai lọ, vứt rác bừa bãi, ít vệ sinh nhà cửa….
Ráo riết phòng chống SXH thời điểm bệnh bùng phát
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo, cần tích cực, chủ động phòng chống bệnh SXH trước mùa dịch. Tại TPHCM, đại diện TTYTDP quận 12, quận Hóc Môn, Gò Vấp… đã triển khai nhiều biện pháp như ra quân phát động chiến dịch diệt lăng quăng, kêu gọi người dân hưởng ứng phòng, chống SXH, tích cực thực hiện các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
“Hiện nay đã kiểm soát và xóa được nhiều điểm nguy cơ có thể phát sinh lăng quăng trong cộng đồng.
Tuy nhiên, TTYTDP thành phố chỉ kiểm soát được các điểm nguy cơ ở nơi công cộng, còn những điểm dễ phát sinh lăng quăng ở trong các hộ gia đình như bể cá, bình bông, ly nước để trên bàn thờ, lu chứa nước… thì cần sự chung tay, ý thức phòng ngừa của người dân” - đại diện TTYTDP cho biết.
ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn (Trưởng khoa SXH BV Nhi Đồng 1 TPHCM) cho biết, mỗi ngày trung bình có khoảng vài chục trẻ đang điều trị tại khoa… Theo đó, SXH có thể xảy ra nhiều người từ trẻ em đến người già, triệu chứng ban đầu của bệnh SXH dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt siêu vi, viêm họng, tay chân miệng.
Mới đầu bệnh SXH khó xác định, nhưng từ ngày 3 đến ngày 6 thì dễ chẩn đoán vì đã có dấu hiệu SXH. SXH không diễn tiến từ sốt nhẹ rồi mới chuyển lên sốt cao, mà ngay khi sốt đã rất cao (39 độ), khi bị SXH sẽ cảm thấy mệt mỏi khắp người, lừ đừ, biếng ăn...
ThS-BS Nguyễn Minh Tuấn cũng khuyến cáo các phụ huynh cần theo dõi trẻ, khi có các dấu hiệu trở nặng: Chảy máu chân răng, đi tiêu ra máu, người lừ đừ thì lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu kịp thời…