Trả lời phỏng vấn tạp chí Chính sách đối ngoại của Mỹ, ông Stoltenberg khẳng định, NATO sẽ không trở thành một bên trong cuộc xung đột tại Ukraine ngay cả khi các quốc gia thành viên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga. Ông cũng nói thêm rằng, NATO theo dõi chặt chẽ những gì Nga đang thực hiện trong thế trận hạt nhân của mình.
Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nhấn mạnh lập trường trước đó của Tổng thống Vladimir Putin rằng, các nước NATO hiện không chỉ thảo luận về việc có nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do phương Tây sản xuất, mà về cơ bản là quyết định xem có nên trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine hay không.
Ông Nebenzia đồng thời cảnh báo, Nga sẽ đưa ra quyết định dựa trên các mối đe doạ đối với quốc gia: “Diễn biến tiềm tàng này có thể thay đổi căn bản mối quan hệ giữa Nga và phương Tây. Nếu quyết định dỡ bỏ lệnh hạn chế vũ khí thực sự được đưa ra hoặc sẽ được đưa ra, điều đó có nghĩa là từ thời điểm đó, các nước NATO sẽ bắt đầu chiến tranh trực tiếp với Nga. Trong trường hợp này, như các bạn, chúng tôi sẽ phải đưa ra các quyết định có liên quan với tất cả những hậu quả mà những phương Tây sẽ phải gánh chịu. Việc sử dụng các loại vũ khí như vậy chỉ có thể thực hiện được nếu bạn có quyền truy cập vào dữ liệu tình báo từ vệ tinh của Mỹ và EU. Điều mà Ukraine không thể làm được.”
Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022, phương Tây đã có những hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí của Ukraine để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Nguyên nhân chủ yếu là vì lo ngại khả năng leo thang căng thẳng giữa các cường quốc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự thay đổi đang diễn ra. Anh đã quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công Nga. Tờ Politico của Mỹ cũng đưa tin rằng Nhà Trắng đang thảo luận về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu cụ thể. Quyết định chính thức vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York)vài ngày tới có thể sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng.
Việc dỡ bỏ các hạn chế về sử dụng vũ khí cho Ukraine từ lâu đã là vấn đề gây chia rẽ giữa các nước phương Tây. Thủ tướng Đức Olaf Scholz hồi tuần trước tuyên bố sẽ không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do nước này cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa ngay cả khi các quốc gia khác quyết định làm như vậy. Trong khi đó, lập trường của Pháp khá mơ hồ. Tổng thống Emmanuel Macron hồi tháng 5 vừa qua tuyên bố Pháp nói chung sẽ không phản đối việc sử dụng tên lửa như vậy.
Theo chuyên gia Nezavisimaya Gazeta của Nga, các quan chức phương Tây dường như hiểu rõ rằng các cuộc tấn công sâu vào Nga, không chỉ bằng máy bay không người lái mà bằng bất kỳ loại vũ khí nào do NATO cung cấp đều sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột. Mỹ cũng đang chờ đợi cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 5/11 tới, một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị Mỹ. Hai ứng cử viên cho chiếc ghế ở Nhà Trắng, bà Kamala Harris và ông Donald Trump dường như có những ý tưởng khác nhau về cách chấm dứt xung đột Nga - Ukraine.