Lo ngại của các đảo quốc Thái Bình Dương về ý đồ của Trung Quốc và thỏa thuận chung

Trung Hiếu |

Ngoại trưởng Trung Quốc đã và đang thăm một loạt đảo quốc ở Thái Bình Dương. Dù nỗ lực cao độ, Trung Quốc chưa đạt được đại thỏa thuận an ninh và thương mại toàn khu vực với 10 nước này. Cả phương Tây và các đảo quốc này đều có nhiều lo ngại về ý đồ của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (ở tâm ảnh) rời cuộc họp báo chung với Thủ tướng Fiji hôm 30/5/2022. Ảnh: AFP.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (ở tâm ảnh) rời cuộc họp báo chung với Thủ tướng Fiji hôm 30/5/2022. Ảnh: AFP.

Chuyến công du chiến lược

Chuyến công du của Ngoại trưởng Trung Quốc tới 10 quốc gia Thái Bình Dương kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ Quần đảo Solomon vào ngày 26/5/2022, với Fiji là chặng dừng chân thứ 4.

Chuyến thăm tới một loạt nước ở Thái Bình Dương này nhằm tăng đáng kể sự tham gia của Trung Quốc trong các khía cạnh an ninh, kinh tế và chính trị của vùng Thái Bình Dương.

Theo một thông cáo chung và một kế hoạch hành động 5 năm mà Trung Quốc đã gửi tới các quốc gia này trước cuộc họp hôm 30/5 ở Fiji, Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự đồng ý của họ để tiến hành huấn luyện lực lượng cảnh sát địa phương và tham gia bảo đảm an ninh mạng, mở rộng các mối liên hệ chính trị, thực hiện hoạt động đo đạc hàng hải vốn rất nhạy cảm, và tiếp cận được nhiều hơn các nguồn tài nguyên trên bộ và trên biển.

Bản đề xuất của Trung Quốc có tên “Tầm nhìn phát triển chung Trung Quốc-các đảo quốc Thái Bình Dương”. “Tầm nhìn” này cũng đề xuất một khu vực thương mại tự do và kêu gọi ủng hộ hành động ngăn ngừa biến đổi khí hậu.

Sau khi gửi dự thảo thông cáo và một kế hoạch hành động 5 năm cho các nước nói trên, Trung Quốc hy vọng sẽ nhận được sự thông qua của các nước sau hội nghị ở Fiji vào hôm 30/5. Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ nỗ lực xây dựng “một cộng đồng chung tương lai” trong khu vực.

Hôm 30/5, Ngoại trưởng Vương Nghị tổ chức cuộc họp trực tuyến với ngoại trưởng 10 nước Thái Bình Dương để thảo luận về một đại thỏa thuận khu vực với nhiều nội dung từ an ninh đến thủy sản. Ông Vương chủ tọa hội nghị này từ thủ đô của Fiji. Các nước tham gia Hội nghị đều có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Các đảo quốc Thái Bình Dương bao gồm một số nước như Quần đảo Solomon, Fiji, Samoa, Tonga, Kiribati, Papua New Guinea, Vanuatu và Niue.

Riêng với Fiji, ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, thủy sản, du lịch, hàng không dân dụng, giáo dục, thực thi pháp luật và quản lý tình trạng khẩn cấp “trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Benjamin Herscovitch, đến từ Đại học Quốc gia Australia, cho rằng Trung Quốc đang cố gắng thực hiện các nỗ lực ngoại giao, thương mại, kinh tế, hậu cần và quan hệ ở cấp độ người dân nhằm có được loại thỏa thuận nói trên.

Theo Herscovitch, Nam Thái Bình Dương không phải là mối quan tâm địa chiến lược hàng đầu của Trung Quốc nếu so với Biển Đông và vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông nhận định, thực tế Trung Quốc đang đầu tư sức lực cho khu vực này đã phản ánh “các tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh”.

Thỏa thuận lớn không được thông qua và nỗi e ngại của các nước Thái Bình Dương

Mặc dù Trung Quốc rất nỗ lực, họ và 10 đảo quốc Thái Bình Dương đã không thông qua được thông cáo chung về an ninh và thương mại.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng 10 đảo quốc Thái Bình Dương đã không thể đạt được sự đồng thuận trong các cuộc đàm phán về một thỏa thuận an ninh và thương mại đa phương toàn khu vực. Phía các đảo quốc Thái Bình Dương và phương Tây lo ngại đề xuất này của Trung Quốc có thể “đe dọa ổn định khu vực”.

Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama phát biểu về ưu tiên đồng thuận tại một cuộc họp báo chung cùng với Ngoại trưởng Vương Nghị sau khi đồng chủ tọa Hội nghị thứ 2 giữa Trung Quốc và các đảo quốc Thái Bình Dương.

Thủ tướng Fiji cho hay, các nước Thái Bình Dương đặt lên trên hết sự đồng thuận trong nội bộ thông qua các cuộc thảo luận về các thỏa thuận khu vực mới.

Một số nước tham dự hội nghị ở Fiji muốn trì hoãn hành động liên quan đến dự thảo thông cáo chung hoặc muốn sửa đổi thông cáo này.

Việc Trung Quốc đề xuất họ sẽ gia tăng tham gia an ninh, kinh tế và chính trị của vùng Nam Thái Bình Dương đã khiến một số nhà lãnh đạo nghi ngại về ý định của Bắc Kinh.

Phóng viên tại buổi họp báo nói trên thậm chí đã không được phép đưa ra câu hỏi.

10 đảo quốc Thái Bình Dương cự tuyệt đề xuất này của Trung Quốc trong bối cảnh có các mối quan ngại rằng đề xuất đó là nhằm lôi kéo họ vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

Theo một bức thư bị rò rỉ mới đây, Dự thảo thông cáo nói trên vấp phải sự phản đối từ ít nhất một trong các quốc gia Thái Bình Dương, đó là Liên bang Micronesia (FSM).

Tổng thống Liên bang Micronesia – ông David Panuelo, đã gọi dự thảo thông cáo này là “đề xuất thay đổi cuộc chơi nhất ở Thái Bình Dương, trong suốt cuộc đời của chúng tôi”. Ông Panuelo cho rằng đề xuất đó “đe dọa mở ra một kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh mới trong trường hợp tốt nhất và một cuộc Chiến tranh Thế giới trong trường hợp xấu nhất”.

Trong lá thư gửi các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương khác, David Panuelo – Tổng thống Liên bang Micronesia cảnh báo rằng đề xuất của Trung Quốc có thể sẽ dẫn tới “ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính quyền”, và “sự kiểm soát kinh tế của họ” đối với các ngành công nghiệp then chốt.

Nhiều đảo quốc Thái Bình Dương e ngại bị đẩy vào trung tâm của cuộc tranh giành địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Hầu hết các đảo quốc này mong muốn duy trì quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, và cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ, Australia và New Zealand, đồng thời tập trung nhiều hơn vào mối đe dọa khẩn cấp, đó là tình trạng biến đổi khí hậu và các vấn đề kinh tế thường nhật. Các quốc gia Thái Bình Dương dễ bị tổn thương trước tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Australia và phương Tây theo dõi sát sao tình hình

Tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho hay, ông đã cử Ngoại trưởng Penny Wong tới Fiji vào tuần trước bởi vì Australia cần “đẩy mạnh” các nỗ lực ở Thái Bình Dương.

Thủ tướng Albanese nói với hãng phát thanh truyền hình ABC của Australia: “Chúng ta cần phản ứng lại điều này bởi vì Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này, nơi Australia là đối tác an ninh được các bên lựa chọn kể từ Thế chiến II”.

Các hoạt động tăng cường của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương đã và đang thách thức trực tiếp ảnh hưởng của Mỹ và các đồng minh ở khu vực có tầm quan trọng chiến lược này.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo rằng các nước Nam Thái Bình Dương nên cảnh giác về “các thỏa thuận mơ hồ, ít tính minh bạch”.

Trước đó, Thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon cũng đã vấp phải sự chỉ trích của Australia, Mỹ, New Zealand và Nhật Bản. Họ lo ngại thỏa thuận đó mở đường cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc sát lãnh thổ Australia.

Trung Quốc trấn an các đảo quốc Thái Bình Dương

Trước thái độ mà Ngoại trưởng Vương Nghị gọi là “sự lo lâu, lo lắng” của một vài nước đối với chính sách của Trung Quốc về các đảo quốc Thái Bình Dương, ông Vương đáp rằng: “Trung Quốc sát cánh với thế giới đang phát triển, đặc biệt là các nước nhỏ và vừa”.

Nhà ngoại giao Vương Nghị cho biết, một số người nghi ngờ động cơ của Trung Quốc khi quá tích cực trong khu vực đảo Thái Bình Dương. Và ông trấn an rằng Bắc Kinh đã từ lâu luôn ủng hộ các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á và vùng Caribe.

Ông Vương Nghị cố thuyết phục các đối tác: “Đừng quá lo lắng, đừng quá lo âu. Bởi vì sự phát triển chung và thịnh vượng chung của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác sẽ chỉ đồng nghĩa với sự hài hòa lớn, sự công bằng hơn và sự tiến bộ hơn cho toàn thế giới”.

Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng các đảo quốc Thái Bình Dương đã nhất trí về 5 lĩnh vực hợp tác nhưng vẫn cần thảo luận thêm để hình thành thêm sự đồng thuận.

5 lĩnh vực mà ông Vương nêu gồm có phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và các trung tâm mới về nông nghiệp và khắc phục thảm họa. Không có nội dung an ninh.

Đại sứ Trung Quốc tại Fiji, Qian Bo, cho biết đại diện các đảo quốc Thái Bình Dương tham gia hội nghị ở Fiji đã nhất trí thảo luận dự thảo thông cáo và kế hoạch 5 năm “cho tới khi chúng tôi đạt được một thỏa thuận”.

Đại sứ Qian Bo cho biết “có sự ủng hộ tổng thể từ 10 nước nhưng tất nhiên có một số quan ngại về một vài vấn đề cụ thể”.

Trung Quốc thất bại trong ký kết một đại thỏa thuận đa phương. Tuy nhiên, họ vẫn ký được các thỏa thuận song phương nhỏ hơn với một số nước Thái Bình Dương trong chuyến công du của ông Vương Nghị.

Tại Solomon, đại diện hai nước đã ký một thỏa thuận về vận tải hàng không dân dụng (ngoài Thỏa thuận an ninh song phương được ký kết trước đó).

Trong khi đó Kiribati đã ký với Trung Quốc 10 thỏa thuận từ hợp tác kinh tế đến xây dựng một cây cầu.

Còn tại Samoa, Ngoại trưởng Vương Nghị đã ký một thỏa thuận về xây dựng một phòng thí nghiệm dấu vân tay cho ngành cảnh sát để bổ sung cho một học viện đào tạo cảnh sát được Trung Quốc tài trợ.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ luôn là một người bạn tốt của các đảo quốc Thái Bình Dương bất kể tình hình quốc tế thay đổi như thế nào.

Chủ tịch Tập Cận Bình gửi thư tới Hội nghị tại Fiji, nói rằng Trung Quốc và các đảo quốc này “có tình hữu nghị trải qua thử thách của thời gian, vượt qua núi cao và đại dương”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại