Đầu tháng 8, tiêm kích F-16 được chính thức biên chế cho không quân Ukraine, kèm theo đó là tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc chiến đấu cơ này sẽ làm thay đổi cục diện chiến trường.
Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng, vai trò của F-16 đối với các chiến dịch quân sự lớn của Ukraine trong thời gian qua vẫn mờ nhạt. Lần xuất kích lớn nhất của F-16 Ukraine là tham gia đánh chặn máy bay không người lái cảm tử Nga tấn công Kiev.
E ngại tên lửa Nga
Theo các chuyên gia quân sự, việc F-16 vắng bóng trên chiến trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn là do Kiev e ngại các hệ thống phòng không Nga bố trí dọc biên giới hai bên và ở vùng giao tranh.
Ngay cả khi tấn công các mục tiêu nằm gần biên giới cũng là nhiệm vụ khó khăn đối với F-16, bởi khu vực này được Nga bảo vệ bằng các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung, đặc biệt là Buk-M3 - phiên bản mới nhất của dòng tên lửa phòng không được phương Tây gọi là "4 ngón tay tử thần".
Về thiết kế, Buk-M3 là hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn mọi phương tiện bay tấn công và trinh sát có trong biên chế quân đội Ukraine. Buk-M3 cũng đã tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ngay từ giai đoạn đầu.
Buk-M3, giống như nhiều hệ thống phòng không tiên tiến khác của Nga, đều do Tập đoàn tên lửa Almaz-Antey phát triển.
Nói về khả năng tác chiến của Buk-M3, một chỉ huy phòng không Nga, biệt danh Alexey, cho biết đơn vị của anh với tên lửa Buk-M3 đã đánh chặn và phá hủy nhiều phương tiện bay của Ukraine. Trong số đó có ba trực thăng, ba chiến đấu cơ, một tên lửa đạn đạo Tochka-U, một UAV Bayraktar TB2 và nhiều đạn rocket HIMARS.
Cũng theo Alexey, một trong những điều tạo nên sức mạnh của Buk-M3 là việc nó có thể thích ứng với mọi hình thức tác chiến từ kẻ thù và đánh chặn được hầu hết các mục tiêu. Tuy nhiên, để làm được điều này, kíp chiến đấu của Alexey cũng phải thay đổi chiến thuật với từng loại mục tiêu.
Không chỉ Alexey, mà nhiều chỉ huy phòng không khác của Nga đều nhận xét Buk-M3 là "vua của phòng không lục quân". Nhận định này đến từ việc Buk-M3 có thể đánh chặn hầu hết các loại vũ khí tấn công đường không phương Tây đang viện trợ cho Ukraine.
Đây cũng chính là lý do tại sao không quân Ukraine phải cân nhắc khi đưa F-16 đến sát biên giới cũng như tham gia hỗ trợ ở miền đông Ukraine. Điều này cũng giới hạn phạm vi tác chiến của F-16 quanh Kiev và miền tây Ukraine.
Bí ẩn sức mạnh Buk-M3
Buk-M3 được quân đội Nga đưa vào trang bị từ năm 2016 nhưng cho đến nay khả năng tác chiến của hệ thống phòng không này vẫn chưa được Almaz-Antey công bố.
Phiên bản Buk-M3 duy nhất được Almaz-Antey công khai về thông số kỹ thuật là Buk-M3 "Viking" dành cho thị trường xuất khẩu. Ở biến thể này, Buk-M3 có tầm tác chiến tối đa 65km và tầm cao tới 35km.
Tính cơ động và linh hoạt là một trong những điểm mạnh của Buk-M3. Nó có thể nhanh chóng được triển khai và đi vào tác chiến chỉ trong vài phút. Điều này làm cho Buk-M3 đặc biệt hiệu quả trong môi trường chiến đấu hiện đại, nhịp độ nhanh, nơi các mối đe dọa trên không có thể xuất hiện bất ngờ và từ nhiều hướng.
Điểm nổi bật nữa là mỗi đơn vị Buk-M3 có thể theo dõi tới 36 mục tiêu và dẫn đường tên lửa vào 6 mục tiêu trong số đó cùng lúc, đảm bảo khả năng hỏa lực mật độ cao trong các tình huống chiến đấu.
Mỗi giá phóng của phiên bản Buk-M3 mang tới 6 đạn tên lửa, trong khi các phiên bản trước đó chỉ có 4, còn xe vận chuyển mang tới 12 đạn thay vì 6 ở các phiên bản trước.
Một điểm mới nữa là tổ hợp Buk-M3 sử dụng thế hệ đạn tên lửa đánh chặn hoàn toàn mới giúp tăng hiệu quả ngăn chặn các mục tiêu bay, trong đó có cả các mục tiêu bay đạn đạo như tên lửa. Khả năng kháng nhiễu của đạn tên lửa cũng được cải thiện.
Buk-M3 sử dụng 2 dòng đạn tên lửa chính là 9M317 và 9M317M, trong đó 9M317M được thiết kế đặc biệt để chống lại các mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình và mục tiêu đạn đạo cơ động cao (tên lửa cấp chiến thuật) của đối phương. Đạn tên lửa mới trên Buk-M3 được đặt trong khoang bảo quản đặc biệt giúp giảm thời gian triển khai, thu hồi và cải thiện khả năng tác chiến trong điều kiện khắc nghiệt.
Về kinh nghiệm thực chiến, theo các kíp chiến đấu Buk-M3 ở Ukraine, họ đều đã đối mặt với hầu hết các loại vũ khí tấn công đường không của NATO.