Lo Mỹ tung đòn ngay yếu điểm, TQ nuôi hi vọng liên thủ với Nga trong một ngành mang tính "sống còn"

Thu Ngọc |

Trung Quốc đề xuất thành lập "liên minh đậu nành" với Nga với mục đích làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế với đối tác chiến lược.

Thành lập "liên minh đậu nành" với Nga

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong tất cả các lĩnh vực của chuỗi cung ứng đậu tương trong một hội nghị trực tuyến với Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maksim Reshetnikov vào tuần trước.

Theo tuyên bố từ Trung Quốc, ông Chung cho biết Bắc Kinh và Moscow nên "phối hợp" các khu vực sản xuất đậu tương chính của hai nước và xây dựng liên minh cho ngành.

Cũng trong tuần trước, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thông báo rằng sản lượng đậu tương nhập khẩu của nước này từ Mỹ sẽ tiếp tục tăng theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung và Bắc Kinh sẽ thúc đẩy tổng lượng nhập khẩu trong nửa cuối năm.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới với sản lượng nhập khẩu trở thành thước đo trong quan hệ thương mại với Mỹ giữa bối cảnh căng thẳng của 2 nước. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào nhập khẩu từ 1 quốc gia là điều không an toàn cho an ninh lương thực, vì vậy Bắc Kinh đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp, đồng thời tăng sản lượng đậu tương sản xuất trong nước.

Lo Mỹ tung đòn ngay yếu điểm, TQ nuôi hi vọng liên thủ với Nga trong một ngành mang tính sống còn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn

Trung Quốc đang "chiến đấu cho mục tiêu an ninh dài hạn"

Theo các nhà phân tích, Nga trong tương lai gần, khó có thể trở thành nhà xuất khẩu đậu tương chính sang Trung Quốc. Nhưng Nga cho biết ý tưởng liên minh do Trung Quốc đề xuất là động thái quan trọng tăng cường hợp tác chiến lược.

Chen Bo, giáo sư kinh tế và thương mại tại Đại học Khoa học và Kĩ Thuật Hoa Trung, Vũ Hán cho biết, liên minh đậu nành sẽ giúp giảm bớt bất ổn cho cả Trung Quốc và Nga khi quan hệ thương mại Bắc Kinh-Washington tiếp tục xấu đi.

Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc chỉ ra, lượng đậu tương nhập khẩu của nước này dự kiến vẫn ở mức cao và Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng nguồn cung.

Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 80-90 triệu tấn mỗi năm, trong đó Brazil và Mỹ là hai nhà xuất khẩu lớn nhất của nước này, chiếm khoảng 90% tổng lượng nhập khẩu. Diện tích trồng cây đậu tương trong nước cũng được mở rộng, đạt 9,3 triệu ha vào năm 2019, sau khi giảm xuống dưới 6,7 triệu ha trong những năm trước.

Trung Quốc tiêu thụ trung bình 110 triệu tấn đậu tương mỗi năm. Đây là nguồn cung cấp protein chủ yếu cho thức ăn chăn nuôi và dầu ăn trong nước, trong khi đó, lượng sản xuất nội địa chỉ đạt khoảng 16 triệu tấn mỗi năm.

Đề xuất thành lập liên minh được đưa ra sau khi Bắc Kinh và Moscow ký một thỏa thuận hợp tác về đậu tương vào tháng 6 năm ngoái, nhằm mục đích tăng nhập khẩu từ Nga lên 3,7 triệu tấn vào năm 2024. Đậu nành xuất khẩu từ Nga hiện chiếm chưa đến 1% lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Theo ông Chen, Nga khó có thể trở thành nhà cung cấp đậu tương chính trong tương lai gần, nhưng Trung Quốc đang "chiến đấu cho mục tiêu an ninh dài hạn".

"Bất kỳ nước nào cũng phải đối mặt với rủi ro về an ninh quốc gia nếu quá phụ thuộc vào một nước khác trong lĩnh vực quan trọng như ngũ cốc và dược phẩm," ông Chen nói. "Trung Quốc đang hy vọng hợp tác sâu rộng với nhiều quốc gia để đảm bảo lợi ích của nước mình trong lĩnh vực cung cấp đậu tương trong dài hạn, và Nga là một trong số các quốc gia đó".

Nhà nghiên cứu về Nga tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải Pan Dawe cho biết: "Sự hợp tác trong chuỗi cung ứng giữa Nga và Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị và điều đó sẽ củng cố thêm mối quan hệ song phương. Trung Quốc và Nga cũng đã tìm thấy sự hợp tác chiến lược mới trong bối cảnh hiện tại. Hai nước đang gửi một tín hiệu rõ ràng rằng các mối quan hệ song phương sẽ không bị ảnh hưởng từ phía Mỹ."

Vào tháng trước, Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc (NFSRA) công bố giá lúa mì và ngô tại nước này đang tăng mạnh, đặt ra những câu hỏi về việc liệu nguồn cung cấp lương thực của Trung Quốc có thực sự an toàn trong bối cảnh việc phụ thuộc vào nhập khẩu ngũ cốc ngày càng tăng, diện tích đất canh tác bị thu hẹp và gián đoạn do thiên tai gây ra.

Đồng thời, mối lo ngại tăng khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Đây là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1.

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể phát động "cuộc chiến lương thực" chống lại Trung Quốc bằng cách cắt giảm nguồn cung lương thực - điều có thể "nguy hiểm hơn so với chiến tranh thương mại".

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại