Lộ mặt những 'nhân vật bí ẩn' giúp Nga mua bán hàng hoá, duy trì đà tăng trưởng ấn tượng giữa 'bão' lệnh trừng phạt

An Chi |

Bất chấp chịu một trong những gói trừng phạt cứng rắn nhất từ trước đến nay, Nga dường như vẫn trụ vững một phần nhờ mua bán hàng hoá qua "đường vòng".

 - Ảnh 1.

Tuần trước, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nga, Dmitry Birichevsky, cho biết nước này đang lên kế hoạch ứng phó với việc phương Tây áp lệnh trừng phạt kéo dài nhiều thập kỷ. Nền kinh tế Nga đang tăng trưởng với tốc độ khá ấn tượng, với mức 4% trong quý II và 5,4% trong quý I, dù phải chịu một loạt lệnh trừng phạt cực kỳ cứng rắn.

Vậy tại sao hoạt động kinh tế của Nga vẫn được duy trì một cách ổn định?

Đầu tiên là Kazakhstan. Năm ngoái, ngành công nghệ của quốc gia Trung Á này dường như đã đạt được thành tựu lớn. Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các công ty châu Âu bị cấm bán hầu hết các sản phẩm ở Nga, dù trước đây là nhà cung cấp công nghệ lớn nhất cho nước này.

Ngành công nghệ quy mô khá nhỏ của Kazakhstan, với khoảng 50 công ty có năng lực sản xuất khoảng 100 triệu USD vào năm 2021, đã lấp đầy khoảng trống ở Nga. Xuất khẩu của nước này sang Nga đã tăng từ 40 triệu USD vào năm 2021 lên 298 triệu USD vào năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu điện tử của Nga từ châu Âu cũng tăng từ 273 triệu USD lên 785 triệu USD. Theo Economist, rất có thể các công ty Nga đã “đi đường vòng” để đến với các nhà cung cấp châu Âu.

Kazakhstan là một trong số những quốc gia có hoạt động thương mại với Nga và châu Âu bùng nổ một cách “ầm thầm”. Những đối tác thương mại khác gồm Armenia, Azerbaijan, Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ and 4 quốc gia khác ở Trung Á. Xuất khẩu từ EU sang các nước này tăng 46 tỷ USD vào năm 2023, tăng 50% so với năm 2021. Con số này tương đương với 3/4 mức sụt giảm xuất khẩu của châu Âu sang Nga từ 2021 đến 2023.

2 năm rưỡi sau khi chịu các lệnh trừng phạt, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng tốt. Khó có thể biết được công ty châu Âu nào đang thích nghi với môi trường mới và công ty nào đang né tránh các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, khi điều đó diễn ra, hoạt động giao thương với một nước thứ 3 đang diễn ra sôi nổi hơn.

Economist chỉ ra 3 yếu tố đằng sau sự bùng nổ thương mại với các bên trung gian. Đầu tiên là mua bán các loại hàng hoá nằm trong lệnh hạn chế.

EU đã thông qua 14 gói trừng phạt. Họ cấm các công ty xuất khẩu toàn bộ hàng hoá có thể sử dụng ở các vùng chiến sự xuất khẩu sang Nga, bao gồm chất bán dẫn, máy bay không người lái, vòng bi và lò vi sóng. Dẫu vậy, hơn 1 nửa số thiết bị quân sự mà Nga mua từ tháng 2 đến tháng 8/2022 có chứa các linh kiện được sản xuất ở EU hoặc Mỹ.

Ví dụ, lượng hàng hoá xuất khẩu tăng nhanh nhất từ EU sang Kazakhstan và Armenia là hoá chất, điện tử và máy móc, tất cả các nhóm sản phẩm đều chịu lệnh hạn chế. Xuất khẩu máy móc từ EU sang Kazakhstan tăng gấp đôi từ năm 2021 đến 2022 và tăng 23% trong năm 2023, đạt 7,1 tỷ USD.

Armenia nhập khẩu lượng hoá chất cao gấp đôi, phần cứng IT tăng gấp 5 lần và các thiết bị điện tử cao hơn 4 lần từ châu Âu vào năm 2023.

Hàng hoá xuất khẩu đến Nga có thể đi qua một số địa điểm trung gian. Năm ngoái, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với một mạng lưới các công ty châu Âu do Mayak, một tập đoàn của Nga, điều hành nhằm vận chuyển thiết bị chịu lệnh trừng phạt của Uzbekistan và Armenia. Tháng 6, 2 mạng lưới khác nhau của các nhà chế tạo công cụ của EU bị phát hiện đang vận chuyển đến Nga, qua Thổ Nhĩ Kỳ để đến Ostec, công ty nhà nước của Nga, và qua Kyrgyzstan để đến Newton-itm, công ty hàng không vũ trụ Nga.

Yếu tố khác giúp hoạt động thương mại gián tiếp của Nga tăng trưởng là Nga đã cấm xe tải trực tiếp đến từ EU từ năm 2022. EU cho phép xuất khẩu một số sản phẩm sang Nga, ví dụ như nông sản, nhưng các sản phẩm này hiện tại phải đi đường vòng. Dữ liệu chính thức cho thấy, nhập khẩu các sản phẩm từ châu Âu vào Kazakhstan đã tăng gấp đôi từ năm 2021 đến 2023.

Động lực thứ 3 là xu hướng mà EU khó có thể ngăn cản, vì xuất phát từ sự bùng nổ của hoạt động sản xuất ở nước thứ 3. Các công ty của nước thứ 3 nhập khẩu một số nguyên liệu và linh kiện từ châu Âu, điều này không vi phạm lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, các hoạt động giao thương vẫn vi phạm những biện pháp trừng phạt về tài chính. Hầu như mọi giao dịch với các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Nga đều bị cấm. Do đó, các doanh nghiệp phải tránh giao dịch với 2.200 công ty và bên cung cấp dịch vụ tài chính mà EU đưa vào danh sách đen.

Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nhà cung cấp thiết bị gia dụng lớn nhất cho châu Âu trước khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra. Nhập khẩu máy móc văn phòng của Kazakhstan từ châu Âu đã tăng gấp 3 lần lên gần 1 tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2023. Điều này có thể một phần là do các văn phòng và nhà máy mới tăng lên. Đầu tư vào Kazakhstan tăng 11% vào năm 2023 nhờ sự hỗ trợ của các công ty Nga.

Các nền kinh tế Trung Á và Kavkaz dường như cũng được hưởng lợi từ việc Nga đi “đường vòng” nhập khẩu hàng hoá. Nhìn chung, nền kinh tế của 5 nước Trung Á tăng trưởng 6% vào năm 2023, từ mức 4% vào năm 2022, trong khi kinh tế Armenia tăng trường 8% từ mức 5% vào năm 2022. Lĩnh vực logistics đã bùng nổ chỉ sau 1 đêm và lượng hàng hoá vận chuyển tăng 20% mỗi năm.

Đây là điều khiến các nhà hoạch định chính sách châu Âu lo ngại. Một quan chức cho biết: “Chúng tôi dự kiến sự ‘rò rỉ’ cũng diễn ra, nhưng không ở quy mô lớn như hiện tại”.

Vào tháng 12, gói trừng phạt thứ 12 của EU lần đầu tiên nhắm đến các công ty ở Armenia và Uzbekistan. Kể từ đó, các quan chức đã đe doạ áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt hơn với các nước thứ 3 và công ty châu Âu xuất khẩu sang Nga, nhưng vẫn chưa triệt để. Khi 1 công ty được đưa vào danh sách đen, thì 1 công ty khác sẽ được đăng ký ở nơi khác.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại