Avia.Pro cho hay, sau khi có thông tin mẫu xe tăng Armata mới nhất của Nga được đưa tới Syria, một số nguồn tin cho rằng, cỗ xe tăng này đã được ngụy trang che mắt kẻ địch nhờ một lớp vật liệu đặc biệt của Rostec.
Lớp vật liệu này có khả năng hấp thụ các tín hiệu điện tử, khiến chiếc xe tăng "vô hình" trước mắt đối phương. Có thể chính vì vậy mà quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không thể phát hiện ra việc Armata tham gia vào các chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.
Trang mạng Lenta.ru cho biết, Tổng công ty Roselektronika Holding, thành viên thuộc Tập đoàn Rostec của LB Nga, đã phát triển một loạt vật liệu hấp thụ sóng radar, làm giảm khoảng cách phát hiện các thiết bị quân sự.
Đơn vị phát triển - Cục thiết kế trung ương về vật liệu radio đặc biệt (công ty con của Roselectronika) - đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt vật liệu mới dựa trên các sợi micro làm từ sắt cấu trúc nano, lô thử nghiệm đã được xuất xưởng. Khi ngụy trang bằng vật liệu mới, phạm vi khí tài quân sự bị các trạm radar của đối phương phát hiện giảm từ 3-4 lần.
Avia.Pro cho rằng, dù chưa có bằng chứng xác thực để chứng minh nhưng ở thời điểm hiện tại thì đây dường như là lời giải thích hợp lý cho việc tại sao không phía nào phát hiện ra xe tăng Armata của Nga tại Syria.
Cần lưu ý rằng, theo thông báo của Roselektronika Holding, vật liệu đặc biệt của họ đã chứng minh được hiệu quả trong việc "hấp thụ sóng vô tuyến ở điều kiện giá lạnh", nhờ nó có "độ bền cao, chịu được các tác động của khí hậu ở nhiệt độ thấp".
Theo Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), tại một số khu vực ở Syria trong mùa hè, nhiệt độ có thể lên tới 45 độ C, nhưng mùa đông ở nước này lại rất khắc nghiệt, bao gồm những đợt tuyết kéo dài và nhiệt độ xuống dưới 0 độ C.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nga Denis Manturov đã xác nhận việc Nga đưa xe tăng T-14 Armata tới Syria để thử nghiệm thực chiến nhưng không nói rõ thời điểm triển khai.