Không quân Israel "thỏa sức" công kích các mục tiêu Syria?
Hôm 4/8, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã công khai nhận trách nhiệm không kích một số mục tiêu của Syria tại tại vùng Al-Kiswah thuộc tỉnh Rif Dimashq, gần thủ đô Damascus và một số vị trí tại tỉnh Quneitra của Syria, nằm giáp với Cao nguyên Golan.
"Nhằm đáp trả lại âm mưu đánh bom gần hàng rào biên giới giữa Israel và Syria đêm 3/8, chúng tôi vừa không kích các vị trí của quân đội Syria trên lãnh thổ của họ gồm trạm gác, hệ thống thu thập thông tin tình báo, pháo phòng không, hệ thống chỉ huy và kiểm soát".
Các vụ không kích nói trên chỉ là "con số lẻ" trong hàng trăm vụ việc tương tự vẫn đang tái diễn nhằm vào các "mục tiêu Iran" hoặc nhóm vũ trang Hezbollah Lebanon ở Syria trong cái gọi là chiến dịch "Giữa các cuộc chiến" của IDF.
Thung lũng Bekaa (Beqaa) nằm trong lãnh thổ Lebanon vẫn tiếp tục là "địa điểm ưa thích" của các máy bay IAF khi tiến hành không kích các mục tiêu ở miền bắc và miền trung Syria.
Theo các nhà phân tích Israel, điều được cho vô cùng quan trọng trong hoạt động này đó là Không quân Israel (IAF) thu thập được kinh nghiệm đáng kể trong việc đối phó với "lưới lửa phòng không" của Quân đội Arab Syria (SAA).
Trong 7 năm qua (tính từ cuộc không kích đầu tiên được cho là do IAF tiến hành vào tháng 4/2013), Syria đã khai hỏa khoảng 700 tên lửa phòng không, tuy nhiên chỉ hạ gục được 1 chiếc F-16I vào năm 2018, vụ việc được cho là do lỗi của phía Israel nhiều hơn là thắng lợi của Syria.
Trung bình, các tổ hợp phòng không Syria đã bắn khoảng 100 tên lửa mỗi năm vào các tiêm kích của IAF. Nói cách khác, SAA đã giúp IAF trở thành lực lượng không quân có kinh nghiệm hàng đầu thế giới trong việc đối phó với hỏa lực phòng không.
Cho tới nay, vụ tên lửa của hệ thống S-200 bắn rơi chiếc F-16I vào tháng 2/2018 là lần duy nhất một máy bay của IAF bị khuất phục kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích Syria vào năm 2013.
Vì sao sau gần 2 năm được đưa tới Syria, S-300 vẫn "mất tích"?
Cho tới trước thời điểm vụ bắn rơi máy bay trinh sát IL-20 năm 2018, các hệ thống phòng không điểm của Syria ( S-75, S-125 và S-200) được cho là tương đối lỗi thời. Và phản ứng của Nga khi đưa S-300 tới quốc gia Trung Đông được kỳ vọng là sẽ khiến Israel "chùn tay".
Nhưng sau gần 2 năm, IAF vẫn tiếp tục "tung hoành" ở Trung Đông, bổ sung vào trang bị các tiêm kích tàng hình F-35I, áp dụng các học thuyết chiến đấu mới, thường xuyên không kích Syria, và quan trọng hơn là chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy S-300 đã khai hỏa.
Theo nhà phân tích người Israel, Yossi Melman, có 3 lý do để giải thích cho việc S-300 "mất tích" như sau:
"Đầu tiên là các khẩu đội S-300 nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của các cố vấn Nga, những người có quyền khai hỏa hoặc không.
Thứ hai là những cố vấn nói trên không cho phép SAA phóng tên lửa vào máy bay Israel.
Và thứ ba, việc S-300 chưa khai hỏa phản ánh "nỗi sợ" của Moscow rằng cũng như các hệ thống phòng không khác mà Syria đang sở hữu, S-300 khó có thể khuất phục tiêm kích Israel.
Điều này được cho là sẽ làm tổn thương niềm tự hào của người Nga về ngành công nghiệp quốc phòng. Đây cũng là bằng chứng rõ ràng hơn về "trò chơi hai mặt" mà người Nga vẫn đang chơi ở Syria từ năm 2015 (bắt đầu can thiệp quân sự)".
Ngày 24/10/2018, Công ty ảnh vệ tinh của Israel ImageSat International (ISI) đã cho công bố một loạt ảnh với 4 bệ phóng S-300 nhưng chưa đi vào hoạt động gần làng Masyaf thuộc tỉnh Hama.
Vào tháng 10/2018, Công ty ảnh vệ tinh của Israel ImageSat International (ISI) đã công bố loạt ảnh đầu tiên cho thấy 4 bệ phóng S-300 nhưng chưa đi vào hoạt động gần làng Masyaf thuộc tỉnh Hama.
Tối 4/8/2020, tài khoản mạng xã hội Twitter "Encyclopedia of Syrian military" ủng hộ chính phủ Syria đã đăng tải một bức ảnh "selfie" (tự sướng) của một người lính SAA tại khu vực trú đóng của S-300 làng Masyaf.
Điều đáng chú ý là 46 tháng sau những bức không ảnh của ISI, các thành phần của tổ hợp S-300 vẫn "án binh bất động" tại đây và nhiều dấu hiệu cho thấy chúng vẫn tiếp tục được phía Nga kiểm soát chứ chưa hoàn toàn bàn giao cho Syria.
Nếu những hình ảnh trong bức ảnh được xác thực, đây có thể là một bằng chứng mới củng cố lập luận của nhà phân tích Yossi Melman về cái gọi là "trò chơi hai mặt" của người Nga.
Nó cũng giải thích tại sao một phần thỏa thuận tháng 7/2020 giữa Damascus và Tehran bao gồm cung cấp hệ thống phòng không Khordad 3, thứ vũ khí mà Iran đã sử dụng để bắn rơi máy bay không người lái (UAV) RQ-4A Global Hawk của Hải quân Mỹ vào mùa hè năm 2019.
Bức ảnh cho thấy các khẩu đội S-300 vẫn nằm trong một cứ điểm của Nga gần làng Masyaf, Hama được đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter "Encyclopedia of Syrian military" hôm 4/8.