Tình hình chiến sự tại Afghanistan tăng nhiệt sau khi Mỹ bắt đầu rút quân. Ảnh: AFP.
Taliban đã chiếm được hầu hết các thành phố lớn chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày qua và hôm nay (15/8) đã tiến vào thủ đô Kabul, trung tâm đầu não của đất nước.
Quyết định bất ngờ của Mỹ hồi giữa tuần điều động thêm 3.000 binh lính và sau đó tăng lên 5.000 không chỉ cho thấy tình hình an ninh đang xấu đi nhanh chóng, mà còn là sự suy giảm niềm tin vào khả năng của quân đội chính phủ trong việc ngăn chặn đà tiến công của Taliban.
Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, Taliban đã chiếm được 28 trên tổng số 34 tỉnh của Afghanistan. Cho đến sáng nay, nhóm vũ trang này đã tiến vào thủ đô Kabul, khiến chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani phải có cuộc thảo luận khẩn với Đặc phái viên của Mỹ Zalmay Khalizad và các quan chức hàng đầu của Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các phái đoàn ngoại giao phương Tây đã tiến hành sơ tán nhân viên và công dân khỏi Afghanistan từ đầu tuần này.
Hôm nay (15/8), Mỹ cũng sử dụng trực thăng để sơ tán gần như toàn bộ nhân viên ngoại giao của mình ra khỏi thủ đô. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, lên tiếng trấn an, Afghanistan vẫn luôn là một trong những đối tác lâu dài của Mỹ.
“Đây không phải là sự bỏ rơi, cũng không phải là một cuộc di tản, mà đơn giản chỉ là giảm quy mô hiện diện dân sự của chúng tôi.
Tôi nghĩ rằng tất cả các bên, bao gồm chính phủ Afghanistan, Taliban, các đối tác quốc tế của Mỹ, cần hiểu rằng Mỹ vẫn có ý định tiếp tục hiện diện ngoại giao tại Afghanistan.
Chúng tôi dự định tiếp tục mối quan hệ đối tác lâu dài với người dân và chính phủ Afghanistan", người phát ngôn Ned Price cho biết.
Ngoài việc cử 3 tiểu đoàn bộ binh, Mỹ cũng đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất khi điều động 3 nghìn 500 đến 4 nghìn quân từ một lữ đoàn chiến đấu của Sư đoàn Dù 82 đến Kuwait để hoạt động như một lực lượng dự bị.
Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, những binh sĩ này sẽ luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Ngoài ra, 1.000 binh sĩ Lục quân và Không quân, bao gồm cả quân cảnh và nhân viên y tế, sẽ được cử đến Qatar trong những ngày tới để hỗ trợ Bộ Ngoại giao nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý các đơn xin thị thực nhập cảnh đặc biệt của những người Afghanistan từng làm việc cho chính phủ Mỹ.
Dù tới thời điểm này, "lò lửa" ở Afghanistan vẫn chưa tác động đáng kể, song các nước láng giềng từ một tháng qua đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng.
Những nước này lo ngại dòng người tị nạn, cũng như nguy cơ xuất khẩu chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong trường hợp Taliban nắm quyền ở Afghanistan.
Chính vì thế, thời gian qua, các nước Trung Á và Nga đã tích cực phối hợp hành động, bao gồm tổ chức tập trận với những tình huống giả định cụ thể để đẩy lùi nguy cơ xung đột quân sự có thể phát sinh, với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, trong khi Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy các bên tại Afghanistan đàm phán.
Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề Afghanistan Nhạc Tiểu Dũng (Yue Xiaoyong) cho biết: “Chúng ta cần đảm bảo rằng sự hỗn loạn sẽ không lan sang các quốc gia khác.
Đặc biệt, Trung Quốc có đường biên giới dài 90km với Afghanistan và vì vậy chúng tôi hi vọng Afghanistan có thể đạt được hòa bình và hòa giải càng sớm càng tốt để ngăn không cho tình trạng chặn hỗn loạn lan rộng và đặt các nước láng giềng trước mối đe dọa khủng bố".
Trước mắt, cả Nga, Mỹ hay Trung Quốc đều đang cố gắng thúc đẩy các lực lượng chính trị Afghanistan đàm phán nhằm “tránh đổ máu hơn nữa” và tìm kiếm “một giải pháp chính trị”.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Taliban có còn quan tâm đến việc tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình ở Qatar nữa hay không khi vẫn đang trên đà chiến thắng. Các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài suốt gần 1 năm qua giữa chính phủ Afghanistan và Taliban hầu như không đạt kết quả.