Lỗ hổng và hệ lụy từ việc lãnh đạo xã, phường phải khiêng người chết vì COVID đi chôn

Hoàng Nam |

Tỉnh Quảng Bình mới ghi nhận 4 trường hợp chết vì COVID-19, nhưng không đơn vị dịch vụ nào nhận mai táng người quá cố. Các lãnh đạo xã, phường buộc phải xúm vào khiêng người chết đi chôn.

Lãnh đạo hai địa phương trước khi làm nhiệm vụ của một nhà đòn

Lãnh đạo hai địa phương trước khi làm nhiệm vụ của một nhà đòn

Không nơi nào nhận mai táng

Sáng 20/9, Ban phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Bình công bố có thêm 35 ca mắc COVID-19, trong đó có thêm 2 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc tại Quảng Bình từ trước đến nay lên 1.524.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới), cho biết, trên địa bàn có BN 381637 (53 tuổi, ở thôn Đồng Dương) tử vong do COVID-19. Toàn bộ gia đình bệnh nhân này đang đi cách ly tập trung.

Liên hệ qua điện thoại, gia đình bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương giúp hỏa táng người quá cố, tuy nhiên lò thiêu phía tỉnh Hà Tĩnh lại từ chối. Chính quyền địa phương đã liên hệ các nhà đòn làm dịch vụ trên địa bàn nhưng họ cũng từ chối. Ngay cả hàng xóm láng giềng cũng không ai nhận mai táng giúp người quá cố vì sợ lây bệnh.

Ông Hiếu đã tổ chức họp Thường vụ Đảng uỷ xã và thống nhất Bí thư, Chủ tịch xã và toàn bộ ủy viên thường vụ phải thay mặt gia đình làm công việc của nhà đòn là đi đào huyệt và khiêng người chết đi mai táng.

Sáng 20/9 tại phường Hải Thành (TP Đồng Hới) có BN 412011 (82 tuổi) chết do COVID-19, cũng bị các nhà đòn từ chối mai táng. Ông Phạm Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND phường Hải Thành, cho biết, lãnh đạo phường đã vận động được 4 người trong gia đình người quá cố tham gia mai táng. Phường Hải Thành không có đất nghĩa trang nên phải sang nhờ nghĩa trang xã Bảo Ninh.

“Cũng may hai người chết chôn gần nhau nên anh em lãnh đạo hai địa phương xúm vào hỗ trợ nhau để khiêng người chết. Cái hòm thì nặng, gặp trời mưa trơn trượt nên rất vất vả”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, phường đã thành lập đội xung kích chôn người chết do COVID-19, nhưng các thành viên chưa được tiêm vắc-xin nên không thể tham gia. Cuối cùng, lãnh đạo phường là những người đã được tiêm hai mũi phải đứng ra làm việc này.

“Đây là trường hợp bất đắc dĩ, chứ thực ra như tôi đây đi mai táng về là phải cách li 14 ngày. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì không còn lấy ai làm việc ở phường”, ông Thắng nói.

Phóng viên hỏi tỉnh Quảng Bình đã có phương án chôn người chết do COVID-19 chưa, tất cả đều nói vấn đề này là tối mật nên không thể thông tin. Trong lúc đó, Trưởng ban Phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Quảng Bình nói rằng, tất cả đều có phương án, nhưng khi phóng viên hỏi phương án đó là gì thì vị này bảo sang UBND tỉnh mà hỏi.

Quá nhiều bất cập do đâu?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về sự việc nói trên, một chuyên gia y tế cho rằng, đây là vấn đề nghiêm trọng, phản ảnh lỗ hổng trong chính sách phòng chống dịch COVID-19 hiện nay tại Quảng Bình.

Trong xã hội văn minh, người chết vì bệnh bình thường cũng đã cần đến đội làm dịch vụ chuyên nghiệp, huống hồ người chết vì dịch COVID-19. Có thể do dịch chưa bùng phát mạnh nên lãnh đạo Quảng Bình đã chủ quan, chưa tính đến phương án mai táng người chết vì COVID-19 nên còn lúng túng.

Để chôn cất người chết vì COVID-19, phải cần đến các đội chuyên nghiệp được tập huấn các kỹ năng phòng dịch và trang bị phương tiện bảo hộ hiện đại nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Vị chuyên gia này nói: Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các thông tư, quyết định của Bộ Y tế… quy định rất nghiêm ngặt về quy trình xử lí thi hài mắc COVID-19.

Theo công văn 480/TTKSBT/SKMT-YTTH ngày 28/2/2020 về hướng dẫn quản lí chất thải y tế và xử lí thi hài bệnh nhân tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (COVID-19), Công ty TNHH Môi trường đô thị thực hiện hoả táng, mai táng thi hài nhiễm nCoV theo hướng dẫn xử lí thi hài bệnh nhân tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona.

“Lãnh đạo xã, phường họ có chức năng, nhiệm vụ của họ không kém phần quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực thi mọi mặt ở cấp mình quản lí. Họ không có nhiệm vụ khiêng người chết vì COVID-19 đi mai táng, vì họ không quen việc và không có chuyên môn. Ngay cả việc mang vào cởi ra bộ đồ bảo hộ, tôi tin là họ làm cũng không đúng cách”, vị chuyên gia này nói.

Theo chuyên gia này, việc mai táng người chết do COVID-19 không do một đội chuyên nghiệp đảm trách sẽ gây ra nhiều hệ lụy khôn lường.

Mặc dù người chết được khâm liệm nghiêm ngặt theo quy trình nhưng không ai dám chắc là không có con vi-rút nào lọt ra ngoài nên những người tham gia mai táng trong hai trường hợp ở Quảng Bình sẽ được xem là F1, nguy cơ nhiễm bệnh và lây lan dịch bệnh là rất cao.

Theo quy định, họ phải đi cách li tập trung hoặc cách li ở nhà. Như vậy, ai sẽ là người điều hành công việc ở cấp xã, phường mà họ đang quản lí.

“Qua sự việc này, Ban chỉ đạo chống dịch Quảng Bình cần nhanh chóng lên phương án mai táng những người chết vì COVID-19, nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Tuyệt đối không để trường hợp tương tự tái diễn trong tương lai, nếu không hậu quả sẽ khôn lường”, vị chuyên gia cảnh báo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại