Ứng phó cho xong
Theo yêu cầu của BTC, trước SEA Games 29, mỗi đoàn phải tiến hành kiểm tra tối thiểu 35 mẫu doping để chứng minh sự trong sạch của mình. Và ngành thể thao VN chỉ thực hiện đúng 35 mẫu rồi gửi sang Thái Lan kiểm tra. Nếu so với tổng số 480 tuyển thủ sang Malaysia tranh tài, con số này chỉ chiếm tỷ lệ 7%.
Trong khi đó, như thống kê, ở những nước như Malaysia, Thái Lan hay Singapore, có khoảng 30-50% số VĐV của họ được “kiểm soát” trước mỗi kỳ SEA Games. Lý do chính bởi hiện tại Việt Nam dù có một bệnh viện chuyên ngành thể thao cùng một Trung tâm Phòng chống Doping song lại không thể kiểm tra tại chỗ. Sau khi lấy mẫu phải thuê một Trung tâm quốc tế kiểm tra với mức phí 200-300 USD/mẫu.
Con số 35 mẫu đã quá ít song chính cách lấy 35 mẫu thử này của ngành thể thao cũng đầy bất cập. Đội tuyển của môn vốn thuộc nhóm nguy cơ cao là xe đạp không lấy mẫu.
Đội tuyển điền kinh có tới 50 tuyển thủ cũng chỉ lấy 3 mẫu. Điều đáng nói, danh sách VĐV phải kiểm tra được chỉ định sẵn, chứ không theo phương thức ngẫu nhiên. Điển hình như điền kinh, cả ba VĐV đều đang tập huấn tại TPHCM. Và VĐV từng dính doping lại không bị lấy mẫu, trong khi như thông lệ, với những đối tượng từng có “án” doping chắc chắn sẽ bị kiểm soát chặt chẽ.
Mới chỉ “kiểm soát” các trụ cột
Phần nào đó có thể coi như việc kiểm tra 35 mẫu thử doping trước thềm SEA Games với ngành thể thao giống như một sự ứng phó cho xong. Nó không có tác dụng kiểm soát, phòng ngừa và răn đe nào. Dù TTVN luôn nói không với các chất bị cấm, song nguy cơ dính doping theo kiểu “cái chết bất ngờ” luôn treo lơ lửng.
Có thể các VĐV hàng đầu, gánh vác thành tích sẽ không có “hề hấn” gì vì họ có kinh nghiệm, được kiểm soát thường xuyên qua các giải quốc tế như khẳng định của lãnh đạo đoàn. Tuy nhiên, không thể đảm bảo với phần đông còn lại.
Nhất là khi theo thông báo của BTC SEA Games 29, ngoài việc kiểm tra các VĐV đoạt huy chương, còn đẩy mạnh kiểm tra ngẫu nhiên, cũng như kiểm tra ngoài thi đấu. Trường hợp dính doping của tuyển thủ điền kinh Vũ Thị Ly tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 vì dùng thuốc cảm sốt do bác sĩ kê mà không kịp cập nhật danh mục chất bị cấm, hãy còn nóng hổi.
Hiện tại bài toán phòng chống doping của các tuyển thủ, theo thống kê có tới 90% “mù tịt” về các chất bị cấm, đặt cả vào các y bác sỹ theo đội, và cũng chỉ gói gọn trong thời gian tập luyện trên tuyển.
Trong khi đó, như ở Trung tâm HLTT Quốc gia Hà Nội, chỉ có hơn chục cán bộ y tế phải chăm lo cho gần 1000 tuyển thủ đủ biết khó khăn, thiếu hụt như thế nào. Đội ngũ này luôn cố gắng hết sức mà vẫn phải lo lắng vì không thể kiểm soát được hết.
Thể thao Việt Nam từng có 7 trường hợp VĐV dính doping theo kiểu “chết vì thiếu hiểu biết” như thế tại các kỳ SEA Games.
Trong đó, SEA Games 2003 ngay trên sân nhà là lần đầu tiên và có số lượng đông nhất, với 4 tuyển thủ bị dính doping gồm Phạm Toàn Thắng, Nguyễn Thị Dịu (lặn), Hoàng Hồng Anh (canoeing) và Nguyễn Mai Quỳnh (điền kinh). Cả 4 tuyển thủ này sau đó đều bị cấm thi đấu hai năm.
Vấn đề doping tại SEA Games 29 với thể thao Việt Nam suy cho cùng vẫn là câu chuyện “may nhờ rủi chịu”.
Theo một kết quả khảo sát chính thức của Viện Khoa học TDTT vào năm ngoái, có tới 90% tuyển thủ quốc gia hoàn toàn "mù tịt" với các chất bị cấm. Với thực tế của thể thao Việt Nam, họ không có điều kiện, khả năng, và quan trọng nhất là ý thức để trang bị cho mình kiến thức và kỹ năng phòng chống doping ở mức tối thiểu.