Iran bắt đầu đầu tư đáng kể vào các hệ thống phòng không mặt đất từ những năm 1980. Trong cuộc chiến với Iraq (1980-1988), Iran đã mua hệ thống phòng không HQ-2 của Trung Quốc - một phiên bản khác của S-75 Liên Xô. Trong những năm 1990, Iran đã mua các hệ thống phòng không tầm xa S-200D đã qua sử dụng của Liên Xô với phạm vi nhắm mục tiêu lên tới 300 km, giúp nâng cao phạm vi bao phủ trên toàn không phận của đất nước.
Tuy nhiên, các hệ thống phòng không của Iran dần tụt hậu khá xa trước những công nghệ tiên tiến mới hơn. Những năm 1990, Nga đã bắt đầu xuất khẩu hệ thống phòng không S-300PM mới, với nhiều loại tên lửa cải tiến có khả năng nhắm mục tiêu tầm xa và khả năng cơ động linh hoạt.
Sau đó, Iran đã đặt hàng mua các hệ thống phòng không tầm xa có tính cơ động cao S-300PMU-1 của Nga vào năm 2007. Tuy nhiên, S-300PMU-1 vẫn bị đánh giá là kém hơn đáng kể so với phiên bản S-300PMU-2 đã bán cho Trung Quốc trong thập kỷ trước.
Nguồn cung không ổn định
Tuy nhiên, vào năm 2010, chính quyền Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã dừng việc bán S-300 cho Iran, dẫn đến hậu quả ngoại giao đáng kể giữa hai nước. Mặc dù Iran đã mua được hệ thống tên lửa tầm ngắn Tor-M1 của Nga cùng với tên lửa hành trình chống tên lửa tiên tiến vào đầu những năm 2000, nhưng nước này vẫn chưa có các hệ thống phòng không tầm xa hiện đại.
Trong nhiều năm, Liên Xô được xem là nhà cung cấp đáng tin cậy cho Iran, trong khi nước Nga thời kỳ hậu Xô Viết lại dễ bị tác động trước áp lực của phương Tây và đã hủy bỏ nhiều thỏa thuận vũ khí trong những năm 1990 với Iran. Đáng chú ý là việc dừng cấp giấy phép sản xuất xe tăng T-72 và ngừng cung cấp các máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-24M cho Iran.
Vào năm 2016, hai năm sau khi quan hệ giữa Moskva và phương Tây suy giảm vì xung đột Ukraine, Nga đã cung cấp cho Iran các hệ thống S-300PMU-2 có khả năng hơn. Các hệ thống này ban đầu được chế tạo để cung cấp cho Syria, nhưng do áp lực của phương Tây Nga đã rút khỏi thỏa thuận và từ chối cung cấp cho Damascus các hệ thống phòng không tầm xa hiện đại.
Radar tầm xa Rezonans-NE
Bên cạnh S-300, các nguồn tin từ Nga tiết lộ vào năm 2020 rằng, Iran đã mua hệ thống radar tầm xa Rezonans-NE, cung cấp khả năng quan sát tình huống trên phạm vi rộng hơn nhiều so với bất kỳ hệ thống radar nào khác trong nước.
Phó giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu Rezonans, Alexander Stuchilin tiết lộ vào tháng 8/2020 rằng: "Vào đầu năm 2020, radar này đã xác định được máy bay F-35 của Mỹ và theo dõi chúng một cách rõ ràng". Hệ thống radar này không phù hợp lắm với việc nhắm mục tiêu, nhưng nó cho biết vị trí mục tiêu bao gồm cả máy bay tàng hình nằm ngoài không phận của quốc gia này.
Trong bối cảnh Iran đang thiếu máy bay chiến đấu hiện đại, thì nước này ngày càng phụ thuộc vào các hệ thống phòng không trên bộ. Tuy nhiên, việc Nga rút khỏi thỏa thuận S-300 vào năm 2010 và rút khỏi nhiều thỏa thuận trước đó vào những năm 1990, đã khiến Iran phải tự phát triển các hệ thống phòng không của riêng mình.
S-300 được Iran triển khai với số lượng tương đối nhỏ và với biến thể PMU-1 có từ những năm 1990 được cho là kém hơn đáng kể, so với các hệ thống nội địa mới nhất hiện đang được nước này triển khai.
Radar Rezonans-NE hiện có thể là tài sản phòng không quan trọng nhất của Nga trong biên chế của Iran. Trong bối cảnh, khả năng của các hệ thống phòng không nội địa do Iran sản xuất vẫn chưa chắc chắn, thì điểm yếu chính của mạng lưới phòng không nước này vẫn là thiếu các hệ thống cảnh báo tiên tiến, như máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AEW&C) và máy bay chiến đấu mang radar tầm xa hiện đại, điều đó có nghĩa là Iran vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào những loại radar trên mặt đất như Rezonans-NE.
Quang Hưng