Mới đây chiếc máy bay trinh sát E-11A chở theo một chỉ huy tình báo của Mỹ đã bị bắn rơi trên không phận Afghanistan, nhận định ban đầu cho rằng đây là chiến tích của tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) FIM-92 Stinger.
Tuy vậy thực tế cho thấy chiếc E-11A này bị bắn hạ từ độ cao lên tới 12 km, vượt xa trần bay của mọi loại MANPADS tối tân nhất hiện nay, cho nên vũ khí thực sự phải là một hệ thống phòng không hoàn chỉnh.
IntelSky cho rằng "Một nguồn tin từ Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) từng tuyên bố rằng Tehran đã cung cấp cho Taliban các tên lửa đất đối không cũng như thông tin tình báo để bắn hạ một máy bay quân sự của Mỹ".
"Nguồn tin xác nhận rằng chiếc máy bay bị bắn hạ có vai trò điều phối hoạt động giữa không quân và các điệp viên trên mặt đất, phương tiện này thuộc Sư đoàn 430 của không quân Mỹ".
Hiện tại hầu như mọi nghi ngờ đều hướng về tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa Khordad 3 do Iran chế tạo, đây cũng là vũ khí đã được sử dụng để bắn hạ chiếc UAV trinh sát RQ-4A Global Hawk của Mỹ vài tháng trước.
Khordad 3 là một biến thể đặc biệt của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Ra’ad (Sấm sét) do Iran tự nghiên cứu phát triển, tổ hợp vũ khí này được đưa vào sử dụng vào giữa những năm 2010.
Tên lửa đánh chặn của hệ thống Khordad 3 có tên định danh Ta’er 2B, nó được triển khai từ bệ phóng di động đặt trên khung gầm xe việt dã bọc thép.
Rất dễ nhận thấy thiết kế của Khordad 3 có nhiều nét tương đồng với Buk-M2 của Nga, đây là điều không mấy ngạc nhiên bởi từ lâu Iran đã có dịp tiếp xúc với các khí tài phòng không Nga.
Các kỹ sư của IRGC đã nghiên cứu rất kỹ các tổ hợp Buk-M2 mà Nga bán cho Syria, họ kết hợp với một số đặc điểm của tên lửa RIM-66 Standard (SM-1) của Mỹ mà Tehran có được từ trước Cách mạng Hồi giáo 1979 để tạo ra Khordad 3.
Các hệ thống phòng không Ra’ad và Khordad 3 đã được Iran tiến hành sản xuất hàng loạt để tăng cường bảo vệ bầu trời quốc gia Trung Đông này, bổ sung cho các nền tảng nhập khẩu, bao gồm S-200 Angara và S-300PMU-2 Favorit.
Khordad 3 chính là biến thể có tầm bắn xa nhất của hệ thống phòng không Ra’ad, theo thông tin thì phạm vi tối đa của tên lửa đánh chặn Ta’er 2B lên tới 200 km.
Thông số này vượt trội cự ly 50 km của đạn 9M317 thuộc tổ hợp Buk-M2 (50 km) và còn lớn hơn cả đạn 48N6E2 trang bị cho S-300PMU-2 (195 km). Đạn được lắp đầu dò cải tiến có khả năng kháng nhiễu rất cao.
Trên xe mang phóng tự hành của Khordad 3 tích hợp sẵn một radar điều khiển hỏa lực để nâng cao khả năng độc lập khi tác chiến, tuy rằng trong điều kiện bình thường tên lửa sẽ được kết nối với đài radar chỉ huy chuyên dụng.
Hệ thống Khordad 3 có thể điều khiển cùng lúc 8 tên lửa đánh chặn để giao chiến với 4 mục tiêu tấn công đường không, bao gồm máy bay cánh cố định, trực thăng, tên lửa hành trình...
Đối tượng tác chiến của Khordad 3 đều là loại có diện tích phản xạ radar thấp và áp dụng các biện pháp chế áp điện tử tinh vi, hoạt động trong dải độ cao từ 10 m cho đến 27 km.
Sau khi có thông tin về việc Khordad 3 đã được sử dụng, phía Iran đã phản đối và cho rằng đây là một hệ thống phức tạp và khá cồng kềnh, không thể dễ dàng tuồn cho Taliban.
Hơn nữa phía Mỹ cũng chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này, họ vẫn khẳng định rằng chiếc E-11A chỉ gặp lỗi kỹ thuật, bất chấp nhiều dấu vết trên thân cùng các mảnh vỡ vương vãi trên diện tích rộng.