Lộ diện thời điểm GRDP bình quân đầu người của Hà Nội sẽ đạt được mức 36.000 USD

Pha Lê |

Theo kế hoạch phát triển, Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện.

Việc lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong 3 nội dung quan trọng (2 nội dung còn lại là xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065) của thành phố Hà Nội đang được tập trung triển khai thực hiện.

Trước đó, để phát triển Thủ đô Hà Nội toàn diện, ngày 5/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nền kinh tế Thủ đô trở thành điểm sáng về tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố năm 2021 tăng 2,92%, năm 2022 tăng 8,89%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. 9 tháng 2023, suy thoái kinh tế thế giới rõ rệt, nhưng nhờ chú trọng khơi nguồn phát triển dịch vụ, kinh tế Hà Nội tốt lên từng quý.

Lộ diện thời điểm GRDP bình quân đầu người của Hà Nội sẽ đạt được mức 36.000 USD - Ảnh 1.

Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê TP. Hà Nội, năm 2022, GRDP của Hà Nội ước tính tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% - 7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây. Quy mô GRDP năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.196 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng, tăng 10,6% so với năm 2021.

Trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội có mức tăng trưởng GRDP tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước (quý 1 tăng 5,81%, quý 2 tăng 5,93%, quý 3 tăng 6,49%). Nền kinh tế của Thủ đô tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, là một trong những trung tâm lớn và đầu tàu kinh tế của cả nước và vùng (đứng thứ 2 về dân số và quy mô GRDP, đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Năm 2023, TP. Hà Nội hiện có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới. Trong đó, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực giao thông với 96 dự án, chiếm 53,1% kế hoạch vốn. Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội đang nỗ lực tập trung thi công khẩn trương, bảo đảm hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đề ra.

Thu hút FDI của Hà Nội là điểm sáng, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký 9 tháng đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm gần 12,5% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI của cả nước).

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 305.300 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng tập trung xây dựng, bảo đảm chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Việc triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng chính là hiện thực hóa quyết tâm khơi dậy khát vọng xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Lộ diện thời điểm GRDP bình quân đầu người của Hà Nội sẽ đạt được mức 36.000 USD - Ảnh 2.

Tại Kế hoạch số 216/KH-UBND, thành phố xác định nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là phấn đấu tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt khoảng 60 - 62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65 - 75%. Tỉ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 30% vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 33 - 36%. Đến năm 2025, hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh… Đáng lưu ý, trong giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội sẽ triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh; 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận ở tầm khu vực và quốc tế.

Trên cơ sở Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, đồng thời căn cứ nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã cùng với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội bước đầu rà soát, nghiên cứu. Ngay sau khi lựa chọn được vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Sở đã bàn giao, truyền đạt để đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu xây dựng định hướng.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch, để đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng. Sở cũng đang nghiên cứu quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết chung cư cũ, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại