Được biết, Cosmos Initia là thành viên Daiwa House Group – Tập đoàn bất động sản Nhật Bản với gần 70 năm phát triển, có vốn điều lệ lên đến 1,07 tỉ USD, kinh doanh tại Nhật và 25 quốc gia trên thế giới…Hiện doanh nghiệp này đã đầu tư gần 2.000 dự án chung cư trung - cao tầng, nhà phố, nhà ở biệt lập.
Tại Việt Nam, từ năm 2018, Daiwa House Group đã phát triển các khu công nghiệp và vận hành các nhà xưởng cho thuê, kho bãi logistics tại ngoại thành Tp.HCM. Cùng với đó, tập đoàn này còn vận hành các căn hộ dịch vụ tại Hà Nội để phục vụ cho người nước ngoài, khách doanh nhân; quản lý các khách sạn và căn hộ dịch vụ tại Tp.Hải Phòng. Ngoài ra, Daiwa House Group gia phát triển loạt căn hộ chung cư tại Tp.HCM.
Dù là thành viên của Daiwa House Group song đây là lần đầu tiên Cosmos Initia "đặt chân" đến Việt Nam để làm căn hộ giá vừa túi tiền tại Dĩ An, Bình Dương. Tìm hiểu được biết, "ông lớn" Nhật Cosmos Initia được thành lập vào năm 1969 và bắt đầu đầu tư mảng bất động sản từ năm 1974. Sau 50 năm, doanh nghiệp này đã đầu tư gần 2.000 dự án, phát triển hơn 100.000 căn hộ chung cư tại thị trường Nhật bản cũng như mở rộng mạng lưới kinh danh quốc tế tại các nước như Australia, Hòa Kỳ….., hiện trụ sở chính tại Tokyo và 7 văn phòng đại diện tại Nhật.
Lý giải lý do vào thị trường Việt Nam, ông Keisuke Muraoka cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển. Riêng dân số Tp.HCM có hơn 10 triệu người nhưng lũy kế đến nay tổng nguồn cung các loại hình nhà ở chỉ khoảng 300.000 căn và hàng năm số lượng dự án ra thị trường khá ít ỏi, nhất là phân khúc giá tầm trung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ở của người dân.
Còn lý do chọn Bình Dương và phát triển căn hộ chung cư trong kế hoạch đến Việt Nam là vì Bình Dương có vị trí "sát cạnh" Tp.HCM. Dẫu thị trường này đã có nhiều dự án căn hộ đang phát triển song dư địa, nhu cầu còn khá lớn. TT AVIO là dự án đầu tiên của doanh nghiệp tại Việt Nam, đánh dấu bước khởi đầu để định vị thương hiệu ở phân khúc nhà ở trung cấp vừa túi tiền tại thị trường Việt Nam.
“Trước đến nay mảng nhà ở chung cư cao tầng vốn là ngành thế mạnh của doanh nghiệp. Vào giai đoạn thị trường bất động sản Nhật Bản tăng trưởng mạnh, chúng tôi đã tập trung vào phát triển căn hộ chung cư, khởi đầu dự án ở Tokyo, nơi xảy ra tình trạng thiếu nhà ở. Và nhu cầu lớn đã giúp hàng trăm ngàn căn hộ được tiêu thụ. Đến nay, khi đến Việt Nam đầu tư, chúng tôi vẫn ưu tiên phân khúc giá tầm trung để tìm kiếm cơ hội”, ông Keisuke Muraoka chia sẻ.
Thời gian qua, các ông lớn Nhật liên tục bắt tay với doanh nghiệp Việt để đầu tư, phát triển đa dạng phân khúc nhà ở tại Hà Nội, Tp.HCM hay tỉnh lân cận cho thấy, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam đối với nhà đầu tư này. Phần lớn sự hợp tác giữa hai bên tập trung vào sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực, các khu đô thị được quy hoạch bài bản.
Ở chiều ngược lại, bất động sản Nhật bản lại đang mất sức hút với nhà đầu tư nước ngoài. Tổng số tiền đầu tư vào bất động sản Nhật Bản năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm. Theo CBRE, đầu tư nước ngoài vào bất động sản Nhật Bản đã giảm khoảng 30% trong năm 2023 xuống còn 1.000 tỉ yen (6,7 tỉ USD), trong khi doanh số bán ra tăng gấp đôi, lên khoảng 1.370 tỉ yen.
Lãi suất tăng, chi phí tăng là những rào cản của bất động sản Nhật đối với nhà đầu tư. Họ dần chuyển sang chốt lợi nhuận ở những tài sản mà đã nắm giữ trong nhiều năm. Đây cũng là lý do các doanh nghiệp hay quỹ đầu tư Nhật bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới ở thị trường tiềm năng như Việt Nam.
Động thái một số ông lớn Nhật “đặt chân” đến Việt Nam để làm nhà ở vừa túi tiền cho thấy tầm nhìn dài hạn. Bởi lẽ, phân khúc này vốn đang “chạy” tốt nhất trên thị trường Việt Nam sau những biến động. Họ nhìn thấy cơ hội về sức cầu, đồng thời hạn chế rủi ro vào dòng vốn khi đầu tư vào phân khúc này.