Đối với hoạt động cho vay, các đối tượng lừa đảo đã dùng hình thức quảng cáo trên các trang website bằng cách tự nhận mình là nhân viên ngân hàng và đang tìm khách hàng có nhu cầu vay vốn. Đáng lưu ý, thủ tục vay đơn giản chỉ cần chụp CMND, bằng lái xe… và giải ngân trong vòng 24h không cần gặp mặt, thậm chí có nợ xấu vẫn có thể vay được tiền…
Sau khi yêu cầu nạn nhân gửi các giấy tờ và thông tin cá nhân, sẽ yêu cầu đóng một khoản phí, phổ biến là "phí bảo hiểm rủi ro", dao động từ 1 – 2 triệu đồng rồi chiếm đoạt khoản phí này.
Mới đây, MB vừa phải lên tiếng cảnh báo về những đối tượng giả mạo nhân viên ngân hàng này để lừa đảo.
Ngân hàng cho biết, thời gian qua xuất hiện một số đối tượng giả mạo cán bộ, nhân viên ngân hàng MB nhằm đánh vào tâm lý cả tin của khách hàng đã trao đổi và mời khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân (số thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hình thức mà các đối tượng lừa đảo chủ yếu là sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng. Sau đó, các đối tượng yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp và chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng sau khi đã nhận tiền.
Không chỉ mạo danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo qua Facebook, Zalo đối với các khoản cho vay, trong thời gian qua, còn xuất hiện một số đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng giả của nhiều ngân hàng.
Theo thông tin từ nhiều khách hàng, thẻ tín dụng giả này được làm bằng tấm nhựa bình thường có thông tin sơ sài, mặt trước có tên "thẻ đa năng" và dãy số, phía dưới là dòng chữ "khách hàng thân thiết". Mặt sau thẻ giả có ô chữ ký của khách hàng đi kèm một số nội dung điều khoản thẻ.
Để tạo niềm tin, các đối tượng này lập trang web, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu ngân hàng hoặc gọi điện thoại tự xưng mình là nhân viên để tiếp thị và hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước theo quy trình cấp thẻ tín dụng.
Hình thức lừa đảo này là chuyển 1 tấm Thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền từ 200.000đ - 300.000 đồng, thậm chí có khi lên đến 5% đến 10% hạn mức thẻ tín dụng giả này. Sau khi nhận tiền, các số điện thoại đã liên hệ đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng chiếc thẻ giả này.
Liên quan đến hình thức lừa đảo này, Ngân hàng Xây dựng (CB) khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài sản phẩm thẻ CB ghi nợ nội địa (ATM), Ngân hàng chưa phát hành bất kỳ loại thẻ đa năng hay thẻ tín dụng ra thị trường.
Ngoài ra, một số công ty tài chính tiêu dùng như: SHB Finance, FE Credit... cũng đưa ra những cảnh báo về thủ đoạn tương tự.
Với các thủ đoạn lừa đảo trên, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng cần cẩn trọng và cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi không rõ ràng yêu cầu phải chuyển tiền/mất phí để mở thẻ.
Bên cạnh đó, khách hàng không truy cập và thực hiện giao dịch thanh toán, mua bán, nhận tiền, vay tiền trên các link, website lạ được nhận qua tin nhắn, email.
Không nạp tiền/chuyển khoản cho người lạ hoặc có dấu hiệu nghi vấn và giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ internet banking và thẻ do ngân hàng CB cung cấp.
Khách hàng không cung cấp thông tin bảo mật như mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân cho bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp, nhập vào trang website không tin cậy…)
Đối với những trường hợp nhận được lời tư vấn làm giả hồ sơ hoặc chỉnh sửa thay đổi thông tin trên hồ sơ vay như chỉnh sửa CMND, làm giả sao kê ngân hàng và các chứng từ khác để làm hồ sơ vay hoặc yêu cầu các khoản phí thẩm định, phí tư vấn, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin hoặc làm theo yêu cầu, đồng thời thông báo ngay cho phía ngân hàng, công ty tài chính và cơ quan công an.