Ngày 28/7, lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) đã tiến hành một cuộc tập trận thường niên trên Eo biển Hormuz với tên gọi “Great Prophet 14” để tấn công phá hủy một tàu sân bay giả lớp Nimitz của Hải quân Mỹ.
Một mục tiêu khác cũng được nhìn thấy trong các video do Iran công bố ghi lại hình ảnh cuộc tập trận là phiên bản của hệ thống radar phòng thủ tên lửa AN/TPY-2, “mắt thần” của Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Trong cuộc tập trận lần này, IRGC đã sử dụng nhiều vũ khí khác nhau như các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa chống hạm Nasr-1, tên lửa hành trình chống hạm phóng từ mặt đất, lực lượng biệt kích đổ bộ từ trực thăng Mi-17, người nhái, các tàu cao tốc tấn công nhanh, máy bay Su-22M4, máy bay không người lái (UAV) và thậm chí là cả vệ tinh do thám.
Ba quả tên lửa được cho là đã rơi xuống những vùng biển gần Căn cứ Không quân Al Dhafra (UAE) và Căn cứ Al Udeid (Qatar) khiến các lực lượng quân sự Mỹ ở đây phải đặt trong tình trạng báo động cao.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý nhất trong cuộc tập trận hôm 28/7 của Iran chính là sự tham gia của các máy bay không người lái.
Ngoài các UAV đã từng được biết tới như Shahed-129, phiên bản lai giữa UAV Hermes 450 của Israel và MQ-1/9 Predator của Mỹ, còn có các UAV Shahed 181 và Shahed 191 được Iran phát triển dựa trên mẫu RQ-170 mà nước này thu giữ được vào năm 2011.
Các UAV Shahed 181 (trong khung) và Shahed 191 tham gia cuộc tập trận quân sự của Iran ngày 28/7. Ảnh: IMA
S-191 được trang bị động cơ phản lực siêu nhỏ mà theo truyền thông Iran thì nó có khả năng tăng tốc UAV lên tới 300 km/h ở độ cao trên 7.600 m, với thời gian hoạt động tối đa 4,5 giờ và bán kính chiến đấu 450 km.
UAV có thể gắn một hệ thống kính ngắm quang điện tử hoặc hồng ngoại (EO/IR) dưới mũi. Tuy nhiên, các bức ảnh chụp từ cuộc tập trận lại không thể hiện được thiết kế này, nhưng nếu nhìn kỹ hơn người xem vẫn thấy hiển thị một tấm panel để lắp kính ngắm.
Theo truyền thông Iran, S-191 cũng có thể mang theo giá lắp Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) thay vì EO/IR. Có một chi tiết thú vị là cả hai giá lắp đều có một bộ tản nhiệt nhô ra từ phần trên của thân máy bay, ngay phía trước cửa hút khí của động cơ.
Thay vì sử dụng một thiết bị hạ cánh thông thường, S-191 sử dụng hai khung trượt có thể thu vào, nhưng nó cũng được trang bị một chiếc dù để sử dụng khi không có đường băng.
Hoạt động cất cánh được thực hiện bằng cách sử dụng đường ray lắp phía sau xe bán tải, sau đó xe tải tăng tốc trên đường băng cho đến khi UAV cất cánh.
Các vũ khí của UAV được lắp đặt ở hai khoang bên trong (đôi khi không có cửa, vẫn mở trong toàn bộ hành trình bay và do đó vô hiệu hóa khả năng tàng hình của máy bay).
Mỗi khoang có khả năng chứa một quả bom lượn có điều khiển Sadid-342 mang đầu đạn phân mảnh, loại vũ khí đặc biệt giống với tên lửa chống tăng Sadid-1 nên nhiều khi rất khó phân biệt.
Shahed 181 là một biến thể khác của S-191, được đẩy bằng động cơ pít-tông, có thiết kế ống hút khí khác so với S-191.
Các khung trượt có thể thu vào được thay thế bằng bốn bánh cố định. Các khoang vũ khí được thay thế bằng các điểm gắn nửa lõm giữa các bánh trượt. Ngoài những khác biệt này, hai chiếc UAV giống hệt nhau.
Iran tuyên bố đã từng sử dụng UAV S-191 để tấn công các mục tiêu khủng bố không xác định ở miền đông Syria vào tháng 10/2018. Khi đó, chiếc UAV bay qua một thành phố không xác định vào ban đêm, thảo một quả bom, rồi đóng cửa mở lại trước khi hạ cánh trên đường băng.
Trong khi đó, S-181 được sử dụng vào tháng 2/2018 để xâm nhập lãnh thổ Israel từ địa phận Syria rồi sau đó bị một máy bay trực thăng Apache của Không quân Israel bắn hạ dẫn tới các cuộc tấn công trả đũa khiến Israel cũng bị mất một chiếc F-16I Sufa.
Hình ảnh tàu sân bay mô hình bị tên lửa Iran tấn công phá hủy