Lộ diện 4 "mầm bệnh" đe dọa U22 Việt Nam

Bảo Anh |

Sau khi trút 4 bàn vào lưới U22 Timor Leste ở trận mở màn chiến dịch SEA Games 29, U22 Việt Nam cũng đồng thời phải "trả giá" bằng sự xuất hiện của 4 dấu hiệu đáng lo ngại.

1. Được suy tôn là số 1

Ngay sau trận đấu với đội bóng được xem là yếu nhất bảng B, thầy trò HLV Hữu Thắng nhận được lời tán dương nhiệt liệt nhất từ chính đối thủ mà họ vừa đánh bại. HLV trưởng của Timor Leste, Kim Shin Hwan nhận xét rằng U22 Việt Nam là ứng viên số 1 cho chức vô địch.

Bất kể ông Kim Shin Hwan nói xã giao hay thật lòng, đó cũng là điều U22 Việt Nam không muốn nghe vào lúc này. Việc được nhấc lên vị trí số 1 có thể tạo ra tâm lý chủ quan, tự mãn cho U22 Việt Nam, hoặc sẽ khiến các cầu thủ của chúng ta phải chịu nhiều sức ép hơn.

Lộ diện 4 mầm bệnh đe dọa U22 Việt Nam - Ảnh 1.

Chưa kể, các đối thủ nặng ký khác như Thái Lan hay Indonesia có thể đã cảm thấy "nóng mặt". Khi gặp "ứng viên số 1", những tên tuổi nêu trên sẽ thi đấu với sự cảnh giác và quyết tâm cao độ để giành phần thắng. Hạ được kẻ mạnh nhất bao giờ mà chẳng tạo ra khoái cảm tối đa.

2. Thăng hoa quá vội

Tại những giải đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm như V-League hay Premier League, xuất phát nhanh là điều hầu hết các đội bóng đều hướng tới. Ở giai đoạn dẫn dắt Chelsea lần thứ nhất, Jose Mourinho từng áp dụng rất thành công chiến thuật "xong sớm, nghỉ sớm". Ví dụ mùa 2005/06, Chelsea thắng một hơi 9 vòng đầu tiên khiến cho các đối thủ còn lại trở nên chán nản và dần buông xuôi.

Nhưng tại các giải đấu như SEA Games, EURO hay World Cup, hiện tượng "chóng nở" rất hay dẫn đến tình trạng "chóng tàn". Việt Nam đã có quá nhiều lần khởi đầu mỹ mãn tại SEA Games, để rồi cuối cùng vẫn phải khóc hận.

Lộ diện 4 mầm bệnh đe dọa U22 Việt Nam - Ảnh 2.

Ngược lại, chính những đội bóng khởi động chậm chạp lại thường bứt phá cực mạnh về cuối. Italia tại World Cup 1982 hay Bồ Đào Nha tại EURO 2016 đều suýt chết ở vòng bảng trước khi thẳng tiến tới ngôi vô địch.

3. Công Phượng

Sở hữu một cầu thủ như Công Phượng là lợi thế. Nhưng đôi khi, sự xuất sắc của Công Phượng đã biến U22 Việt Nam thành "đội bóng 1 người". Giả sử các vị trí còn lại dựa dẫm Công Phượng như cách Argentina phụ thuộc vào Lionel Messi, U22 Việt Nam chắc chắn sẽ bế tắc nếu đối phương phong tỏa thành công cầu thủ đeo áo số 10.

Kỳ vọng khủng khiếp của NHM và giới chuyên môn đối với Công Phượng cũng có thể khiến các cầu thủ khác cảm thấy tự ti. Họ rất dễ hình thành "phản xạ có điều kiện" là phải chuyền bóng cho ngôi sao gốc Nghệ An trong mọi tình huống dù đó có thể không phải giải pháp tốt nhất.

Lộ diện 4 mầm bệnh đe dọa U22 Việt Nam - Ảnh 3.

Bản thân Công Phượng thì bị cuốn vào tư tưởng phải thể hiện sự "khác biệt" ngay cả trong những trường hợp cần xử lý đơn giản. Ngoài ra, Công Phượng cũng có thể kiệt sức vì quá nỗ lực để hoàn thành trọng trách đầu tàu thay vì chia sẻ gánh nặng cùng đồng đội.

4. "Sát thủ" ra mặt quá sớm

Hầu như nhà vô địch nào cũng cần có sự xuất hiện đúng lúc của những "sát thủ giấu mặt". Nhớ lại trận chung kết Tiger Cup 1998 tại Hàng Đẫy, trong khi hàng phòng ngự Việt Nam mải tập trung theo kèm các tiền đạo của Singapore, trung vệ Sasikumar đột nhiên như từ dưới đất chui lên với pha làm bàn khiến hàng triệu CĐV chủ nhà rơi lệ.

Lộ diện 4 mầm bệnh đe dọa U22 Việt Nam - Ảnh 4.

AFF Cup 2008, Việt Nam đã lên ngôi quán quân sau khi đánh bại Thái Lan với tổng tỷ số 3-2 nhờ các bàn thắng của Công Vinh (2) và Vũ Phong. Tuy nhiên, để vào đến chung kết, đội bóng của HLV Calisto đã phải nhờ đến pha lập công duy nhất của quân bài dự phòng Quang Hải ở trận bán kết lượt về trên sân Singapore (lượt đi hòa 0-0).

Trước U22 Timor Leste, nhân tố ít được chờ đợi nhất và cũng là học trò trẻ tuổi nhất của HLV Hữu Thắng là Văn Hậu đã bước ra ánh sáng với một cú đúp. Đường tới chức vô địch còn 6 trận nữa, U22 Việt Nam liệu có đủ "của để dành" hay không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại