Lộ điểm yếu chết người của xe tăng Nga: Nguy cơ "tan xác" khi lâm trận!

Trung Phạm |

Thiết bị định vị tiêu chuẩn cho các xe tăng Nga là gì? Liệu nó có đạt được mức độ tiên tiến như hệ thống mà Quân đội Mỹ trang bị cho các xe tăng của nước này?

Khả năng định vị kém

Một trong những lợi thế lớn nhất của Quân đội Mỹ chính là hệ thống định vị được các lực lượng cơ giới sử dụng và thường được biết tới với tên gọi "thiết bị phát hiện quân xanh" (BFT). Nhờ nó mà các phương tiện cơ giới trên chiến trường có thể xác định được vị trí của các xe chiến đấu bạn bè hoạt động xung quanh chúng.

Lợi ích mà hệ thống này mang lại có thể nói là rất lớn: Các chỉ huy chiến trường có khả năng phản ứng nhanh chóng với những thay đổi của tình hình bởi họ sẽ biết rõ vị trí của binh lính thuộc quyền; tốc độ hành quân được đẩy lên nhanh hơn do các đơn vị chỉ mất ít thời gian xác định hướng tập hợp với lực lượng kế bên; và đặc biệt là vị trí chiến đấu của đối phương.

Xét tới những lợi ích to lớn như trên nên nhiều người hiển nhiên cho rằng Nga cũng sẽ trang bị khả năng tương tự cho các dòng xe tăng mới nhất của họ. Thế nhưng, thực tế lại phức tạp hơn rất nhiều.

Về lý thuyết, mỗi một xe tăng Nga đều có thể sở hữu khả năng định vị quân xanh như vậy nhưng những nguồn lực ngân sách hạn hẹp đã giới hạn việc triển khai nó. Nếu vậy, thiết bị tiêu chuẩn cho các xe tăng Nga là gì? Nó có tiệm cận với hệ thống mà Quân đội Mỹ trang bị?

Tín hiệu vô tuyến (radio) là trái tim của bất cứ mạng lưới thông tin chiến trường nào. Không có radio thì một phương tiện đơn lẻ chẳng có cách nào thu hoặc phát được mệnh lệnh chỉ huy hoặc bất cứ dữ liệu nào khác.

Radio tiêu chuẩn trang bị cho hầu hết các xe tăng tiền tuyến của Nga là tổ hợp vô tuyến R-168. Đây là thiết bị giao tiếp thoại cũng như kết nối dữ liệu giữa tất cả các xe tăng Nga chiến đấu theo đội hình ở khoảng cách lên tới 30 km trong quá trình hành tiến. Riêng với dữ liệu, nó có thể chuyển tải tới 16 kilobit/giây.

Lộ điểm yếu chết người của xe tăng Nga: Nguy cơ tan xác khi lâm trận! - Ảnh 1.

Xe tăng T-90 Nga khai hỏa trong một cuộc diễn tập tại căn cứ Alabino. Ảnh: Sputnik

Một thiết bị chủ chốt nữa cũng thường được sử dụng rộng rãi là hệ thống định vị Azimuth, gồm một bộ thu GLONASS, một la bàn điện tử và một vài cảm biến khác. Hệ thống tương tác với R-168 để phát đi thông tin về vị trí xe, hướng hành tiến và một số tham số khác trên mạng lưới thông tin chiến trường.

Hoàn toàn có thể biến Azimuth thành một màn hình hiển thị vị trí cho kíp lái nhưng việc này thường không được vận dụng. Với cách thức của Nga, vị trí xe tăng nhiều khả năng được theo dõi và xác định tại một trạm chỉ huy, có thể là T-90AK hoặc một biến thể xe tăng chỉ huy khác.

Việc kết hợp giữa Azimuth và khả năng truyền dữ liệu của R-168 cho phép Nga có thể theo dõi được xe tăng bạn bè ở mức độ có giới hạn, tất nhiên trong trường hợp cả hai được lắp đặt. Các thông tin cập nhật về vị trí do Azimuth phát qua mạng vô tuyến cho phép một trạm chỉ huy hoặc xe tăng chỉ huy theo dõi được vị trí của các phương tiện trên bản đồ di chuyển.

Cấu hình này phù hợp với nguyên lý chỉ huy từ trên xuống mà Nga áp dụng nhưng lại thiếu tính linh hoạt mà Quân đội Mỹ có được nhờ những thiết bị theo dõi quân xanh lắp đặt trên hầu hết các xe tăng chiến đấu.

Hầu hết các xe tăng lắp Azimuth sẽ không có thiết bị tiếp nhận thông tin vị trí chuyển đến từ các xe tăng khác cũng trang bị Azimuth vì màn hình hiển thị dùng cho theo dõi quân xanh không được lắp đặt trên các xe tăng tiền tuyến.

Hiệp đồng thua Abrams Mỹ

Trong khi đó, mỗi xe tăng Abrams của Quân đội Mỹ đều lắp hệ thống BFT có khả năng nhìn được vị trí của các xe bạn bè trên bản đồ hành tiến được cài đặt. Điều này giúp cho hoạt động hiệp đồng cấp trung đội diễn ra dễ dàng hơn, trái ngược với xe tăng Nga phải định vị thông qua mệnh lệnh radio hoặc bằng cách sử dụng bản đồ.

Mặc dù Nga cũng có các hệ thống định vị độc lập như TNA-3 nhưng chúng thường cũng chỉ lắp đặt trên các xe chỉ huy.

Nga đã nỗ lực thay đổi điều này những năm 2010 với xe tăng T90A2, loại được trang bị hệ thống quản lý tác chiến có tên gọi Sozvezdiye-2M nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó, những diễn biến gần đây của Nga lại tỏ ra ít tham vọng hơn.

Lộ điểm yếu chết người của xe tăng Nga: Nguy cơ tan xác khi lâm trận! - Ảnh 2.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams. Ảnh: Asia Times

T-90M được cho là đã trang bị một màn hình hiển thị bản đồ di chuyển, vì vậy rất có thể các xe tăng T-90M sẽ có khả năng theo dõi những xe bạn bè khác và vị trí của những xe lắp đặt Azimuth xung quanh chúng.

Nhưng thậm chí ngay cả khi đó, mạng lưới thông tin sẽ vẫn chỉ có thể hoạt động trong một khu vực tương đối hẹp so với những phương tiện trang bị BFT - sử dụng kết nối vệ tinh, do sự phụ thuộc của nó vào radio kỹ thuật số.

Xe tăng Armata được cho là cũng trang bị các hệ thống tương tự như T-90M, có thể có nhiều màn hình hiển thị trong khoang của kíp chiến đấu, tất nhiên nếu việc tích hợp khả năng này không gặp vấn đề gì. Vẫn rất khó có khả năng Armata chuyển sang dùng thông tin vệ tinh cho hệ thống BFT.

Mặc dù đã có rất nhiều thông tin ca ngợi về vũ khí trang bị, mức độ bọc giáp, khả năng cơ động của các xe tăng Nga tương lai, nhưng ưu thế về chỉ huy và điều cũng không kém phần quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn tất cả nếu muốn giành chiến thắng trên chiến trường.

Xét về khả năng này, Mỹ dường như đang có được lợi thế đáng kể so với Nga. Phần lớn các xe tăng Nga thậm chí còn không được trang bị cả Azimuth, ít thông tin hiển thị và thông tin vệ tinh tiên tiến.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Charlie Gao của Tạp chí Mỹ The National Interest, do Quân đội Nga vẫn duy trì nguyên tắc chỉ huy theo mệnh lệnh từ trên xuống và tận dụng triệt để khả năng tác chiến điện tử, nên việc dựa vào các mạng lưới chỉ huy và định vị thế hệ cũ có thể vẫn phát huy được tác dụng.

Tăng M1 Abrams của Mỹ khai hỏa tại một trường bắn ở Ba Lan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại