Tổng hợp các tin tức khoa học:
Lỗ đen
Các nhà thiên văn học ở Đại học Leicester đã quan sát lỗ đen khổng lồ ở trung tâm thiên hà PG211+143 cách xa Trái đất hàng tỷ năm ánh sáng.
Trong quá trình phân tích dữ liệu rentgen, các nhà khoa học thấy rằng, lỗ đen hút khí với vận tốc khủng khiếp, bằng 1/3 vận tốc ánh sáng (khoảng 100.000 km/s).
Đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn học phát hiện ra hiện tượng này. Nghiên cứu cũng giải thích, tại sao các lỗ đen hình thành trong giai đoạn vũ trụ non trẻ nhanh chóng có được khối lượng khổng lồ.
Xác ướp chó sói từ kỷ băng hà
Một xác ướp chó sói từ kỷ băng hà được phát hiện cách đây 2 năm. Tuy nhiên hiện nay nó mới được đem ra trưng bày tại triển lãm ở Dawson (Canada).
Đây là xác ướp chó sói duy nhất trong môi trường tự nhiên từ kỷ băng hà. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện xương chó sói từ thời kỳ đó, nhưng chưa bao giờ họ phát hiện xác ướp chó sói với bộ lông và da nguyên vẹn.
Áo giáp bảo vệ phi hành gia trên sao Hỏa
Các nhà khoa học ở Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang phát triển loại áo giáp thế kỷ XXI có khả năng bảo vệ phi hành gia trong sứ mệnh khai phá Mặt trăng và sao Hỏa.
Sử dụng máy in 3D, các nhà khoa học của NASA đã tạo ra những viên kim loại có thể kết nối với nhau thành áo giáp gọn nhẹ. Áo giáp này bảo vệ phi hành gia an toàn trước các bức xạ vũ trụ hoặc nhiệt độ cực đoan.
Điều quan trọng nữa là vật liệu làm áo giáp có thể sản xuất bên ngoài Trái đất.