Các cựu lãnh đạo về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo các chính sách ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu trên toàn thế giới hiện nay sẽ chỉ dẫn đến tình trạng thảm khốc hơn vì các chính phủ đã không thực hiện những hành động cần thiết như cam kết.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11 năm ngoái ở Scotland, các nước đã nhất trí đưa ra kế hoạch hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, những chính sách và biện pháp được chính phủ các nước thông qua và thực hiện sẽ gây ra mức tăng nhiệt độ lớn hơn nhiều, ít nhất là 2,7 độ C, vượt quá ngưỡng an toàn tương đối và có thể lên tới 3,6 độ C. Điều đó sẽ gây ra những tác động thảm khốc dưới dạng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng và những thay đổi không thể đảo ngược đối với khí hậu toàn cầu.
Các cựu thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu Michael Zammit Cutajar, Yvo de Boer và Christiana Figueres đã có bài viết trên tờ Guardian (Anh) hôm 1-6 cảnh báo về hậu quả tiêu cực của việc các nước không thực hiện đúng cam kết chống biến đổi khí hậu bằng hành động và chính sách cụ thể.
Người dân lấy nước từ giếng gần như khô cạn trong ngày nắng nóng ở làng Badama, bang Uttar Pradesh - Ấn Độ hồi tháng 5-2022 Ảnh: REUTERS
Bài viết đề cập nhiều báo cáo về thời tiết khắc nghiệt mà thế giới chứng kiến trong năm 2022 cho thấy không thể lãng phí thời gian thêm nữa.
Các chuyên gia này nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu càng diễn ra, chúng ta càng nhốt mình trong một tương lai đi kèm với nhiều vụ mùa bị hủy hoại, tình trạng mất an ninh lương thực nhiều hơn nữa, cũng như một loạt vấn đề khác bao gồm mực nước biển dâng cao, các mối đe dọa đối với an ninh nguồn nước, hạn hán và sa mạc hóa".
Các cựu quan chức cấp cao LHQ này cho rằng hành động của các nước phát triển cho đến nay là đáng thất vọng khi thất bại trong việc giảm lượng khí thải kịp thời và không hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Theo hãng tin AP, Peru đã không bảo vệ được rừng nhiệt đới Amazon. Peru, nơi có diện tích rừng nhiệt đới Amazon lớn thứ hai sau Brazil, đã cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2021. Tuy nhiên, 2022 bị xem làm năm tồi tệ nhất của Peru khi nước này mất khoảng 170.000 ha diện tích rừng nhiệt đới Amazon.
Tại Mỹ, từ ngày 1-6, hơn 6 triệu cư dân khu vực Los Angeles, bang California bắt đầu thực hiện các quy định hạn chế sử dụng nước sinh hoạt để ứng phó với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Theo quy định, mỗi hộ gia đình chỉ được tưới nước sân vườn 1 lần/tuần. Mục tiêu của quy định chưa từng có tiền lệ này là tiết kiệm 35% lượng nước sử dụng trong bối cảnh California đang trải qua năm hạn hán thứ 3 liên tiếp.
Tại Brazil, ít nhất 106 người thiệt mạng và 10 người mất tích khi mưa lớn kéo dài ở miền Đông Bắc nước này trong nhiều ngày liên tiếp. Trong khi đó, thời tiết cực đoan tại Ấn Độ khiến có những khu vực hứng chịu nhiệt độ vượt mốc 45 độ C, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn gây thiệt hại cho sản lượng lúa mì khắp nước.
Theo Straits Times, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, báo cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 3-6 cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ và lâu dài hơn đối với con người. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
Mỹ vào mùa bão
Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH bang Colorado (Mỹ) đã nâng dự báo về số cơn bão nhiệt đới, bão và siêu bão lần lượt lên 20, 10 và 5. Mùa bão Đại Tây Dương trong năm 2022 bắt đầu từ ngày 1-6 đến 30-11.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ dự báo 2022 là năm thứ 7 liên tiếp Mỹ chứng kiến mùa bão với số lượng cơn bão trên mức trung bình. Khoảng 21 cơn bão Đại Tây Dương hồi năm ngoái gây thiệt hại cho Mỹ 80,6 tỉ USD, trong số đó chỉ riêng cơn bão Ida gây tổn thất đến 36 tỉ USD.