Ảnh: Mashable
Cách đây không lâu, Xiaomi đã đăng ký kinh doanh xe điện, chính thức gia nhập thị trường xe điện sôi động toàn cầu. Theo đó, công ty con chuyên về xe điện này của Xiaomi sẽ có tên là Xiaomi EV, được thành lập với số vốn đăng ký khoảng 1,55 tỷ USD. Xiaomi EV hiện có 300 nhân viên do CEO của Xiaomi là Lôi Quân điều hành.
Thực tế, chuyện Xiaomi làm xe không phải là một thông tin mới. Trước đây cả nửa năm, Xiaomi đã công bố kế hoạch tham gia vào thị trường này và sẽ đầu tư lên tới 10 tỷ USD trong 10 năm tới.
Tham gia vào thị trường xe điện đang dần nhộn nhịp trên thế giới, ô tô Xiaomi đương nhiên không thể bỏ qua chế độ tự lái.
Thực ra, Xiaomi chưa có bất kỳ công bố nào về hình dạng chiếc xe đầu tiên. Chiếc xe trong hình là Xpeng G3i
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất chính là việc Xiaomi đã 'mua đứt' lại công ty khởi nghiệp DeepMotion chuyên về hệ thống tự hành. Thương vụ này đã tiêu tốn của Xiaomi một con số khủng khiếp: 77,37 triệu USD, tương đương khoảng 1761 tỷ đồng.
DeepMotion là một trong các công ty công nghệ tự hành lớn tại Trung Quốc, tập trung vào nghiên cứu, phát triển và cung cấp các giải pháp cho công nghệ trợ lái nâng cao (Advanced Driver Assistance System - ADAS) và công nghệ tự hành. Cách thức tiếp cận của DeepMotion tới tự lái chính là một điều khiến Tesla cần phải để tâm tới.
Xiaomi chi tới hơn 77 triệu USD để mua lại DeepMotion. Ảnh: SCMP
Hiện nay, hãng xe nổi danh nhất thế giới với tính năng tự lái có lẽ là Tesla. Thực ra, nếu nói về tự lái thì Tesla có nhiều hơn 1 chế độ, gần như chia theo các cấp độ chiếc xe có thể tự hành, đó là: Autopilot, Navigate on Autopilot và Full Self Driving. (Đọc thêm về khác biệt giữa các chế độ này tại đây).
Nhưng dù là chế độ nào đi chăng nữa thì Tesla đều hướng tới việc chỉ sử dụng camera là bộ phận duy nhất để chiếc xe cảm nhận môi trường phía trước.
Cách thức làm của Tesla là khác với nhiều hãng xe / hãng công nghệ nghiên cứu tự lái khác trên thế giới đang sử dụng LiDAR, đơn cử như Volvo, Waymo (tiền thân là dự án tự lái của Google), VinFast... đã sử dụng LiDAR, hoặc như Ford và Volkswagen thì đã và đang đầu tư cho một công ty phát triển LiDAR.
Nhưng với DeepMotion thì công ty đang tiếp cận theo cách giống Tesla: sử dụng thiên về camera. Đây chính là manh mối quan trọng nhất cho thấy đây sẽ là đối thủ Tesla cần để tâm tới!
Tesla Model 3 (trong ảnh) là một trong những mẫu xe điện bán chạy nhất toàn cầu
Tuy nhiên, cũng cần nhớ rằng cho tới nay, chưa có hãng xe nào đạt được tới đích đến là tự lái cấp độ 5 (tự động hoàn toàn trong mọi môi trường mà không cần con người tham gia) nên mọi việc giờ vẫn chỉ là đang nghiên cứu, thử nghiệm, chưa thể kết luận được đâu mới là kẻ 'về đích'.