Chiến lược rời bỏ
Với những diễn biến quân sự gần đây ở Libya, có những câu hỏi đặt ra về việc Mỹ có chiến lược nào để chống lại ảnh hưởng của Nga đang phát triển nhanh chóng ở quốc gia Bắc Phi này không.
Dựa trên tình hình hiện tại, tờ Middle East Monitor đánh giá, chiến lược chung của Mỹ ở toàn bộ Trung Đông và Bắc Phi dường như đều là rời bỏ thay vì duy trì và tiến tới.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ quyết tâm rút khỏi các cuộc chiến tranh khu vực mà chính quyền Mỹ đã tham gia trước đó. Từ Afghanistan đến Syria, Mỹ đang giảm quy mô liên quan, chỉ giữ lại một số điểm nóng và ngừng lại các cam kết.
Ví dụ, ở Syria, Nga giờ đây gần như có toàn quyền tự do trong chương trình địa chính trị của riêng mình cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, thay vì thế đối đầu với Washington cách đây vài năm.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton từng mô tả, Tổng thống Trump - với tâm lý của một nhà đầu tư - xem địa chính trị chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, thay vì nhìn nó một cách dài hạn và sâu sắc hơn.
Libya, sau Syria, đang trở thành một ví dụ rõ ràng về sự thất bại của chính quyền Mỹ khi đưa ra các lựa chọn chính sách để chống lại đối thủ chính là Nga.
Mặc dù Mỹ tuyên bố công khai về việc công nhận Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) ở Libya nhưng cho đến lúc này đã không có động thái gì để chứng minh.
Gần đây, chính quyền Mỹ dường như thích ủng hộ sự tham gia ngày càng mở rộng của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya, hơn là tự mình hành động.
Điều này đang trở nên rõ ràng hơn khi Bộ Tư lệnh Châu Phi (AFRICOM) của quân đội Mỹ tăng cường liên lạc với GNA ở Tripoli. Cơ quan này hiện đang dẫn đầu các nỗ lực đối kháng với các hoạt động của Nga ở Libya, ít nhất là bằng cách phơi bày sự hiện diện của Nga một cách công khai.
Trong khi Nga tiếp tục phủ nhận mọi sự hiện diện ở quốc gia Bắc Phi, thì giới quan sát vẫn nhận định rằng Moscow đang ngày càng củng cố thêm năng lực cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar.
AFRICOM đã cáo buộc lính đánh thuê Wagner (Nga) đang chiến đấu cho phía LNA. Mới đây, phía Mỹ cũng công bố những bức ảnh về những gì được cho là máy bay chiến đấu của Nga hạ cánh xuống căn cứ không quân Al-Jufra của Libya để giúp LNA, bất chấp việc Moscow lên tiếng bác bỏ.
Người Nga làm gì?
Nga chưa bao giờ xác nhận đứng sau ủng hộ LNA của tướng Haftar.
Người Nga đang làm gì ở Libya vẫn là vấn đề tranh cãi, nhưng dù thế nào - tất cả đều có ý nghĩa an ninh chiến lược lâu dài. Cần phải lưu ý rằng, Libya có vị trí trọng yếu để phả hơi nóng vào sườn phía Nam của NATO.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ mới tháng trước đã bày tỏ mối quan tâm của liên minh về sự hiện diện của Nga ở Libya.
Nhưng bản thân liên minh, đặc biệt là thành viên lớn nhất – Mỹ- dường như không thể tạo ra một chiến lược chung cho Libya. Nếu Mỹ đồng ý với những gì Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đang làm ở Libya thì Pháp - một thành viên lớn khác của NATO – lại tỏ ra không hài lòng.
Vào ngày 29/6, Tổng thống Emmanuel Macron đã cáo buộc người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đang "chơi trò chơi nguy hiểm" ở Libya. Nhà lãnh đạo Pháp rõ ràng không quan tâm đến các hoạt động quân sự của Nga ở Libya, nhưng lại quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ đang đưa hàng loạt các chiến binh từ Syria sang chiến trường Bắc Phi.
Hàng ngàn chiến binh Syria đã được Ankara đưa vào cuộc xung đột trong nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công đánh chiếm Tripoli của LNA. Paris - bị cáo buộc ủng hộ LNA của tướng Haftar - không chia sẻ lập trường của Mỹ về tình hình ở Libya.
Nếu Mỹ tin rằng, những gì Thổ Nhĩ Kỳ đang làm ở Libya là vì lợi ích lâu dài của NATO, đó là nhận định sai lầm. Thổ Nhĩ Kỳ có chương trình nghị sự riêng, chủ yếu để trở thành một thế lực mạnh mẽ hơn ở khu vực Địa Trung Hải, cả về kinh tế và quân sự.
Đối với Tổng thống Erdogan, Libya không phải nơi để chống lại ảnh hưởng của Moscow ở Bắc Phi, mà là có được một chỗ đứng tại một quốc gia được ví như cửa ngõ vào toàn bộ Bắc Phi và cả khu vực rộng lớn hơn.
Trong những năm qua, Ankara đã thúc đẩy các chính sách châu Phi bằng các khoản đầu tư và các dự án kinh tế. Libya, ngoài sự giàu có về dầu mỏ, như một cửa ngõ vào châu Phi, rất quan trọng đối với các chính sách như vậy.
Các vấn đề chính sách đối ngoại hiếm khi xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc bầu cử năm nay cũng không ngoại lệ.
Tổng thống Trump đang có những ngày tháng đầy sóng gió trước khi bước vào cuộc đua tái bầu cử. Ông bị choáng ngợp bởi các vấn đề trong nước bao gồm phân biệt chủng tộc và suy thoái kinh tế do COVID-19, và chắc chắn sẽ quên hoàn toàn những vấn đề bên lề như Libya và NATO.
Trong khi đó, Moscow đang chiến thắng trong trò chơi địa chính trị mà NATO bắt đầu ở Libya 9 năm trước đó.