"Các bệ phóng NASAMS sẽ được chuyển đến Ukraine trong tương lai gần", Tổng thống Litva Gitanas Nauseda, người đang có chuyến thăm Ukraine, cho biết.
Ông Nauseda cho biết thêm, hợp đồng mua bệ phóng NASAMS đã được ký kết ngày 27/6 giữa Litva, Na Uy và Công ty Kongsberg của Na Uy.
Binh sĩ Tây Ban Nha chuẩn bị bệ phóng tên lửa phòng không tầm trung trên mặt đất NASAMS tại căn cứ không quân Lielvarde, Latvia. Ảnh: Reuters
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Litva cho biết, nước này đang đáp ứng trước yêu cầu khẩn cấp của Ukraine về việc giúp tăng cường khả năng phòng không trước các cuộc tấn công của Nga nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân sự.
Theo Reuters, Na Uy sẽ cung cấp thiết bị bảo trì cho các bệ phóng như một phần của thỏa thuận.
"Chúng tôi đã mua các hệ thống phóng tên lửa tiên tiến NASAMS, được trang bị đầy đủ, để quân đội Ukraine tích hợp vào các đơn vị kiểm soát hỏa lực của họ. Do vậy, những hệ thống này sẽ bổ sung và mở rộng các hệ thống NASAMS đã được sử dụng do Na Uy và Mỹ cung cấp cho Ukraine", Bộ trưởng Quốc phòng Litva Arvydas Anusauskas cho biết.
Litva sẽ xử lý việc giao hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS cho Ukraine, đồng thời gửi thêm 10 xe bọc thép chở quân M113 tới Kiev.
Vào cuối tháng 5, Mỹ cũng đã duyệt bán hệ thống NASAMS và các thiết bị liên quan với tổng trị giá ước tính 285 triệu USD cho Ukraine. Trước đó, Ukraine đã nhận một hệ thống NASAMS vào tháng 11/2022. Hệ thống này do Canada mua cho Kiev.
NASAMS, sản phẩm hợp tác giữa nhà thầu Raytheon của Mỹ và Kongsberg của Na Uy, là hệ thống phòng không mặt đất sử dụng tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder và AIM-120 AMRAAM có độ chính xác cao.
Hệ thống này có tầm bắn khoảng 161km, được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp, có thể giúp Ukraine đối phó tốt hơn với đòn không kích.
Tổ hợp này cũng có thể khai hỏa mọi mẫu tên lửa được dùng trên tiêm kích NATO. Đây là hệ thống phòng không cố định duy nhất được triển khai trên lãnh thổ Mỹ, nhằm bảo vệ không phận thủ đô Washington.