Chính phủ Lithuania dự định chi khoảng 145 triệu EUR để mua 200 xe JLTV cùng các gói trang bị, vũ khí và hỗ trợ hậu cần, huấn luyện. Lô xe đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối năm 2021. Hợp đồng hoàn tất trong năm 2024.
Nếu hợp đồng được thực thi, Lithuania sẽ là khách hàng nước ngoài thứ 3 sau Montenegro và Slovenia có sự phục vụ của dòng xe được kỳ vọng là phương tiện di chuyển chủ đạo của quân đội Mỹ trong tương lai.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Lithuania, quân đội nước này sẽ có một số yêu cầu riêng để các xe JLTV phù hợp với nhiệm vụ và yêu cầu tác chiến của mình.
Thương vụ xe JLTV là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Lithuania. Theo đó, quốc gia Bắc Âu này còn dự định trang bị nhiều phương tiện và khí tài mới khác như xe chiến đấu bộ binh Boxer và pháo tự hành PZH-2000.
Phiên bản xe JLTV cứu thương. Ảnh: Oshkosh Defense.
JLTV là dự án chung được khởi động từ năm 2006 của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ, gồm hai loại: Xe chiến đấu chiến lược (CTV) bốn chỗ và xe hỗ trợ chiến đấu (CSV) hai chỗ, nhằm thay thế xe Humvee và xe quân sự bọc thép chống mìn (MRAP).
Với trọng tải tối đa 7 tấn, xe có kích cỡ lớn hơn Humvee (3,5 tấn), nhỏ hơn MRAP (14-18 tấn) và có thể dễ dàng vận chuyển bằng trực thăng quân sự. Xe JLTV có thể đạt đến vận tốc 160km/h, trong khi Humvee và MRAP chỉ lần lượt đạt 120km/h và 104km/h.
Không giống Humvee, các bộ phận bọc thép phủ bên ngoài của xe JLTV được chế tạo để chúng dễ bong ra thành từng mảnh khi trúng mìn, vì thế lực nổ sẽ bị phân tán khỏi buồng lái, giúp giảm sát thương.
Hỏa lực của xe JLTV là một tháp vũ khí điều khiển bởi binh sĩ hoặc điều khiển từ xa. Ngoài ra, xe còn cung cấp các thiết bị tác chiến điện tử cũng như công nghệ giám sát tình hình chiến trận...
Xe JLTV có nhiều biến thể cho các mục đích sử dụng khác nhau như chở quân, chống tăng, vận tải hạng nhẹ, phòng không, trinh sát, cứu thương, và chỉ huy.