Linh vật rồng Giáp Thìn: Sáng tạo, bớt gây cười

NGỌC ÁNH |

Linh vật là một phần quan trọng của văn hóa dân gian, thể hiện khát khao ấm no, hướng đến hạnh phúc của con người. Những ngày qua, hình ảnh linh vật rồng đón năm mới Giáp Thìn 2024 ở khắp mọi miền Tổ quốc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Muôn kiểu tạo hình, màu sắc, dáng vẻ, biểu cảm của tượng rồng khiến cư dân mạng thích thú, tuy thế vẫn có tượng linh vật hài hước và gây tranh cãi.

Muôn hình vạn trạng

Cuộc đua tượng linh vật ở các địa phương khá sôi động. Linh vật rồng ở Thanh Hóa gây chú ý hơn cả. Bốn tượng rồng vừa được tạo hình để chào đón Xuân Giáp Thìn năm 2024, đặt trong khuôn viên vui chơi giải trí của một doanh nghiệp ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Trái với mường tượng của số đông về hình tượng rồng uy nghi, hoành tráng, bức tượng ở Thanh Hóa có phần mảnh dẻ. Cư dân mạng gọi đây là rồng còi xương, ví rồng như con lươn. Có lẽ do thợ tạo hình linh vật có kỹ thuật kém. Hoặc không ngoài khả năng đây là chủ ý của chủ khu vui chơi.

Linh vật rồng Giáp Thìn: Sáng tạo, bớt gây cười- Ảnh 1.

Linh vật rồng đủ kiểu dáng biểu cảm, màu sắc ở các tỉnh thành.

Tượng linh vật rồng đặt tại chùa Vân An (Đông Hà, Quảng Trị) có thể soán ngôi đầu bảng linh vật đẹp. Linh vật rồng được thiết kế theo màu vàng chủ đạo, cao khoảng hơn 3 mét. Tác phẩm do nghệ nhân Đinh Văn Tâm (trú tại xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) thực hiện. Hai con rồng được làm bằng vật liệu bê tông, cốt thép kiên cố. Nghệ nhân Đinh Văn Tâm cho biết, cặp tượng được làm theo đơn đặt hàng của nhà chùa. Từ những ngày đầu tháng Chạp, đội thợ của anh chạy nước rút để chế tác và hoàn thiện.

Những phác thảo đầu tiên của đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 vừa được công bố cũng gây thích thú. Hình ảnh linh vật rồng là điểm nhấn ở cổng chào. Hai con rồng uốn lượn dài 100 mét, hứa hẹn tạo ấn tượng cho khách tham quan. Ngoài việc lập kỷ lục về kích thước con giáp từng xuất hiện trên đường hoa Nguyễn Huệ, linh vật rồng năm nay được tạo hình thân thiện với môi trường, hơn 90% chất liệu là mây tre và mành quạt nan. Nghệ nhân ở Bát Tràng cũng tạo tác ấn rồng Hoàng đế chi bảo phiên bản gốm.

Linh vật rồng Giáp Thìn: Sáng tạo, bớt gây cười- Ảnh 2.

Linh vật làm bằng lu độc đáo ở Bình Dương.

Ngoài ra, ở Phú Thọ, Đắk Nông, Quảng Ngãi,… tượng linh vật rồng cũng thu hút sự hiếu kỳ của người dân. Một số bức tượng rồng có biểu cảm ngạc nhiên, lạ lẫm, đường nét thiếu mềm mại gây xôn xao cõi mạng. “Rồng siêu nhân”, “rồng không ăn ảnh”, “rồng chông gai”,… là những từ được cộng đồng mạng dùng để nói về linh vật rồng có tạo hình chưa đáp ứng thẩm mỹ.

Sáng tạo đến đâu?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nói rằng, nên có sự phân định rạch ròi nguồn gốc của tác phẩm để tránh đưa ra phán xét, định đoạt mang tính chất thái quá.

Linh vật rồng Giáp Thìn: Sáng tạo, bớt gây cười- Ảnh 3.

Nghệ nhân Bát Tràng tạo đường nét lên chiếc ấn rồng bằng gốm.

“Nếu tác phẩm là trưng bày của nhà điêu khắc sẽ là câu chuyện khác, họ phải thể hiện được đẳng cấp khác. Tuy nhiên, tôi được biết một số tượng linh vật do công nhân không chuyên về thiết kế thực hiện, với mong muốn mang đến không khí chào xuân vui vẻ, lấy chỗ cho mọi người du xuân, chụp hình. Như vậy, việc làm của họ xuất phát từ cái tâm. Chúng ta nên coi trọng điều đó”, ông Nguyễn Hùng Vĩ nêu quan điểm.

Một số người lo ngại những bức tượng quá hài hước, lạ mắt khiến hình tượng linh vật trở nên méo mó, mất thẩm mỹ. Ông cho hay, nhận xét tùy thuộc theo mắt nhìn của từng người.

Rồng Việt có đặc trưng riêng

Giảng viên, họa sĩ, tiến sĩ mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho biết, có hai điểm dễ nhận biết rồng Việt. Rồng Việt thường ngậm ngọc chầu, đầu dưới thấp. Rồng Việt luôn cho cảm giác thăng bằng nên thường đầu ít khi ngẩng cao, lưỡi cũng không thè ra quá mức. “Các địa phương nên lưu ý khi phỏng dựng hình tượng rồng trong lịch sử, tránh làm theo những mẫu trưng bày chưa đúng”, anh nói.

Thời Lý - Trần rất phổ biến kiểu rồng đuôi cao hoặc cùng lắm bằng với đầu. “Đặc biệt, kiểu rồng thành bậc thì đầu bò xuống thấp. Một kiểu nữa thấy từ thành bậc điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long) là hàm trên rồng không có răng, chỉ có hai răng nanh. Kiểu rồng hàm trâu hàm bò này khá đặc biệt, được họa sĩ Nguyễn Thanh Long phát hiện”, TS. Trần Hậu Yên Thế nói. NGUYÊN KHÁNH

“Những bức tượng đón xuân ở các tỉnh thành là hình ảnh quen thuộc từ nhiều năm nay. Trước đây, có nhiều người thực hiện nhưng không lan truyền thông tin trên mạng xã hội, dẫn đến những ồn ào khen chê. Nếu tất cả đều đẹp, thuận mắt sẽ tốt hơn. Nhưng nếu người thực hiện làm chưa ra thần thái của linh vật, cộng đồng mạng cũng nên lựa lời bình luận, tránh vùi dập xối xả”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nói. Ông cho rằng, nghệ thuật điêu khắc cũng như văn chương, có chỗ hay chỗ dở, miễn là hướng đến “vị nhân sinh” thì đều đáng khen.

Họa sĩ Nguyễn Văn Hiệu - vừa hoàn thiện một số bức vẽ ở triển lãm Vẽ con rồng (trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám) - cho biết, đã xem một số tượng rồng ở các tỉnh thành trên mạng xã hội và thấy hầu hết đều có nét dễ thương, tích cực.

“Theo quan niệm của người châu Á, đặc biệt là người Đông Á, hình tượng con rồng hướng đến sự tích cực, an khang. Cảm nhận và trình độ thẩm mỹ của người thực hiện khác nhau sẽ cho ra những tác phẩm đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, biểu cảm… Chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng, phê phán những bức tượng quá phản cảm, biến dạng. Những tác phẩm mang thông điệp tươi vui, tích cực nên được trân trọng”, họa sĩ Nguyễn Văn Hiệu nói.

Anh cho biết, để hoàn thiện tượng rồng đón năm mới, một số nghệ nhân, công nhân vẽ thiết kế 3D, sau đó dùng máy thi công, một số khác thiết kế bằng tay. Họa sĩ Nguyễn Văn Hiệu ấn tượng với tác phẩm rồng ở Vũng Tàu, làm bằng vật liệu composite. “Tượng ở Vũng Tàu có tạo hình đẹp, mang dáng dấp rồng thời Lý”, họa sĩ nói.

Hình tượng rồng Việt biến đổi qua các triều đại từ Lý, Trần, Lê sơ, Lê trung hưng, Nguyễn. Vì thế khi tạo tác linh vật, các địa phương cần hướng tới ý nghĩa nhân văn, đề cao thẩm mỹ, tránh phản cảm. Các chuyên gia nhấn mạnh, cần theo quy chuẩn thẩm mỹ của từng hình tượng rồng ở thời kỳ lịch sử cụ thể, tránh mạnh ai nấy làm, biến linh vật thành trò mua vui dễ dãi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại