Theo hãng tin Reuters, chuyến thăm của phái đoàn huấn luyện viên quân sự Triều Tiên tới Nga đánh dấu cuộc trao đổi quân sự đầu tiên giữa Moscow và Bình Nhưỡng kể từ khi hai nước ký kết một hiệp ước quân sự sâu rộng vào tháng trước.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng 6 và hội đàm song phương với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nơi họ đã ký thỏa thuận hợp tác. Thỏa thuận nêu rõ rằng "đối tác còn lại sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự và các hỗ trợ khác ngay lập tức bằng mọi phương tiện mà họ có".
Hai nhà lãnh đạo Nga – Triều Tiên đã hội đàm trước khi ký hiệp ước, cam kết cung cấp viện trợ quân sự cho nhau nếu một trong hai bên bị tấn công.
Theo tờ Newsweek, động thái này diễn ra trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ngày càng gia tăng và là bước phát triển quan trọng đánh dấu việc tăng cường quan hệ quân sự giữa Triều Tiên và Nga.
Theo hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA, phái đoàn quân sự Triều Tiên do Kim Geum Chol - Hiệu trưởng trường Đại học Quân sự Kim Il Sung – làm trưởng đoàn, nhưng không cung cấp thêm thông tin nào về chuyến thăm.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol mô tả sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên là "mối đe dọa rõ ràng và thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và ở châu Âu".
Rộ tin Triều Tiên có kế hoạch gửi quân tới Ukraine
Kênh truyền hình Chosun TV của Hàn Quốc mới đây dẫn lời một quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên cho biết, Bình Nhưỡng có kế hoạch cử lực lượng xây dựng và kỹ thuật đến vùng lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát vào cuối tháng này để thực hiện nỗ lực tái thiết và đây là một phần của hiệp ước đồng ý hỗ trợ quân sự cho nhau nếu bên kia bị tấn công giữa Nga và Triều Tiên.
Theo Business Insider, cho đến nay vẫn chưa có xác nhận chính thức nào được đưa ra, nhưng suy đoán đã tăng cao trong cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc vào cuối tháng trước khi một phóng viên nói rằng Quân ủy Trung ương Triều Tiên đã thông báo rằng Triều Tiên sẽ hợp tác với quân đội Nga.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington đã đặt câu hỏi về tuyên bố của phóng viên này, nói rằng họ không tìm thấy tuyên bố nào như vậy của Triều Tiên.
Đáp lại, Thiếu tướng Pat Ryder - Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc - cho biết, khả năng Triều Tiên gửi lực lượng quân sự đến Nga là "điều chắc chắn phải để mắt tới".
Các chuyên gia nói với Business Insider rằng, cho đến nay, khả năng binh sĩ Triều Tiên được triển khai tới Ukraine chỉ là suy đoán và khó có thể xảy ra.
Nhưng nếu điều đó xảy ra, lợi thế chính mà Nga có được sẽ là số lượng binh sĩ khổng lồ của Triều Tiên chứ không phải năng lực chiến đấu của họ, các chuyên gia nhận định.
Edward Howell - chuyên gia của tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London nói với Business Insider rằng: "Triều Tiên có quân đội lớn với 1,3 triệu người. Tuy nhiên, chất lượng của vũ khí, vũ khí thông thường và bản thân binh lính của Triều Tiên yếu hơn nhiều".
John Hardie - Phó giám đốc Chương trình Nga tại Quỹ Bảo vệ nền Dân chủ (FDD) có trụ sở tại Washington – cho biết, ngay cả khi các báo cáo là đúng, ông vẫn nghi ngờ việc triển khai quân đội Triều Tiên sẽ có tác động "đáng kể" trên chiến trường Ukraine.
Theo Newsweek, trong một diễn biến khác, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã đề xuất gửi các giảng viên quân sự từ một nhóm đồng minh phương Tây đến Ukraine. Nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã phản đối đề xuất của ông Macron.
Tướng Oleksandr Syrskyi - Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine - cho biết, ông đã ký các văn bản "cho phép những giảng viên người Pháp đầu tiên sớm đến thăm các trung tâm đào tạo [của Ukraine]."