Bốc thăm "kiểu xổ số"
Hình thức gọi công dân nhập ngũ bắt buộc theo kiểu bốc thăm (draft lottery) được tổ chức lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ vào năm 1863, trong cuộc Nội Chiến. Sau đó, những cuộc bốc số như thế đã tiếp tục được tổ chức vào những giai đoạn khốc liệt nhất trong hai cuộc Thế chiến Thứ Nhất và Thứ Hai.
Và như một thông lệ, ở đỉnh điểm của Chiến tranh Việt Nam năm 1969, những viên nang có chứa số lại được chính quyền Mỹ tiếp tục đem ra sử dụng để tuyển quân tham chiến một cách ngẫu nhiên.
Luật nghĩa vụ quân sự năm 1967 của Mỹ quy định, tất cả nam giới từ 19 đến 26 tuổi đều đủ điều kiện để được lựa chọn, ngoại trừ những người được miễn nghĩa vụ quân sự, những người tự nguyện, hoặc những người bị kết án hình sự.
Thanh niên Mỹ biểu tình phản đối kiểu tuyển quân bằng xổ số
Những lần bốc thăm "kiểu xổ số" trước đây đã từng phải hứng chịu sự chỉ trích không chỉ từ phía công chúng mà còn từ các nhà khoa học. Họ cho rằng dù mang tên gọi "ngẫu nhiên" nhưng thực tế thì hình thức tuyển quân này lại không thực sự "ngẫu nhiên". Bởi vậy, sở quân dịch Mỹ đã phát triển một hệ thống tuyển quân có độ phức tạp cao hơn.
Theo đó, xổ số sẽ được bốc dựa trên ngày sinh của các tân binh. Hội đồng quân dịch chuẩn bị 366 viên nang nhựa và đánh số theo số ngày trong một năm nhuận (bao gồm cả ngày 29 tháng 2).
Những viên nang bằng nhựa chứa vận mệnh của những chàng trai Mỹ
Đầu tiên, người ra lấy ra 31 viên nang tương ứng với 31 ngày trong tháng 1 rồi bỏ vào bên trong mỗi viên nang một tờ giấy có ghi: ngày 01 tháng 01, ngày 02 tháng 01, v.v… Sau đó, các viên nang này được bỏ vào trong một hộp gỗ lớn có 2 khoang được ngăn cách với nhau bởi một tấm bìa các-tông. Những viên nang tháng Một nằm trong một khoang, khoang bên cạnh để trống.
Tiếp theo, người ta bỏ 29 viên nang tháng Hai vào, rút tấm bìa ngăn cách ra và trộn các viên nang của cả hai tháng lại với nhau rồi lại ngăn thành 2 ô với một ô chứa các viên nang của cả 2 tháng, ô bên kia để trống.
Quy trình này được lặp lại 10 lần với tất cả các tháng còn lại. Kết quả là, viên nang tháng Một được trộn lẫn các viên nang tháng khác 11 lần, viên nang tháng Hai – 10 lần… và viên nang tháng Mười Hai – 1 lần.
Sau đó, chiếc hộp được niêm phong, lắc đi lắc lại nhiều lần rồi đổ tất cả các viên nang vào một thùng chứa hình trụ bằng thủy tinh trong suốt.
Trong lễ bốc thăm được tổ chức vào ngày 1 tháng 12 năm 1969, nghị sĩ Alexander Pirnie là người đã bốc ra viên nang đầu tiên.
Lễ bốc thăm diễn ra vào ngày 1 tháng 12 năm 1969 tại trụ sở của sở quân dịch ở Washington trước sự chứng kiến của công chúng, đồng thời được phát trực tiếp trên đài phát thanh và truyền hình. Người dẫn chương trình lấy ra từng viên nang và công bố công khai những con số được ghi bên trong.
Cuộc bốc thăm (The Draft Lottery) ngày 01 tháng 12 năm 1969 trên truyền hình Mỹ
Viên nang đầu tiên được lấy ra có số thứ tự 258 chứa mảnh giấy ghi ngày 14 tháng 9. Điều này có nghĩa là những người sinh ngày 14 tháng 9 từ năm 1944 đến 1950 được chỉ định ứng với số 1 và là những người được gọi nhập ngũ đầu tiên.
Số thứ hai là ngày 24 tháng 4, số thứ ba là ngày 30 tháng 12, v.v... Vào năm 1970, cách tuyển quân trên cơ sở xổ số này đã dừng lại ở số 195 (ngày 24 tháng 9) vì khi đó đã đạt được chỉ tiêu.
Kết quả bốc thăm được ghi lên bảng
Cũng trong ngày 1 tháng 12 năm 1969, người ta đã tổ chức buổi bốc thăm xổ số lần thứ 2 để sắp xếp thứ tự cho những người có cùng ngày sinh theo bảng chữ cái.
Chữ cái J được đánh số 1, tiếp theo chữ cái G là số 2, v.v.. cho đến khi cả 26 chữ cái trong bảng chữ cái đều được gán số. Những người có các chữ cái đầu của họ, tên và đệm là "JJJ" sẽ đứng đầu, sau đó là "JGJ", "JDJ", và "JXJ"; còn "VVV" sẽ xếp cuối cùng.
Phân bố kết quả bốc thăm năm 1969
Những cái tên nổi tiếng
Mặc dù đã áp dụng hệ thống phân loại và bốc thăm phức tạp hơn các lần trước nhưng cuộc "xổ số" năm 1969 vẫn bị các nhà thống kê và toán học chỉ trích.
Các nhà khoa học lưu ý rằng càng những tháng gần cuối năm thì số lần mà những viên nang được trộn lẫn với các viên nang khác lại càng ít đi. Họ cũng chỉ ra rằng việc sử dụng ngày 29 tháng 2 – vốn chỉ xuất hiện 4 năm/lần cũng làm ảnh hưởng đến kết quả bốc thăm.
Ủy ban quân dịch sau đó đã tiếp thu các ý kiến này và đem vào áp dụng cho quy trình bốc thăm chọn quân kế tiếp vào ngày 1 tháng 7 năm 1970 để tuyển dụng binh sỹ cho năm 1971.
Trong lần này chỉ có những người đàn ông sinh năm 1951 và hệ thống thậm chí còn trở nên phức tạp hơn.
Người ta đã sử dụng tới hai thùng chứa: lấy một viên nang chứa ngày tháng từ một bên, còn bên kia - viên nang có số từ 1 đến 365.
Ví dụ: ngày 16 tháng 9 tương ứng với số 139, và điều này có nghĩa là các tân binh sinh vào ngày 16 tháng 9 sẽ chỉ nhập ngũ sau khi quân đội Mỹ đã gọi đủ những người đã nhận được số từ 1 xuống 138 trước đó.
Bốc thăm tuyển quân năm 1972
Những cuộc xổ số tương tự tiếp theo đã được tổ chức vào ngày 5 tháng 8 năm 1971 và ngày 2 tháng 2 năm 1972. Những người tham gia vào buổi rút thăm cuối cùng đã không bị triệu tập khi Luật nghĩa vụ quân sự theo chọn lọc đã hết hạn ngày 30 tháng 6 năm 1973. Sau đó, quân đội Mỹ chuyển sang hệ thống tuyển quân theo tinh thần tự nguyện.
Đây là bảng kết quả bốc thăm gọi đi nhập ngũ năm 1970. Bằng cách khớp ngày trong cột đầu tiên và tháng ở hàng trên cùng sẽ cho ra số của người lính.
Theo bảng này, số 113 rơi vào vị đạo diễn nổi tiếng (trong tương lai) Oliver Stone (sinh ngày 15 tháng 9 năm 1946), số 204 - nhà văn Stephen King (sinh ngày 21 tháng 9 năm 1947), số 327 – diễn viên điện ảnh Sylvester Stallone (sinh ngày 6 tháng 7 năm 1946) và số 356 là ông Donald Trump (sinh ngày 14 tháng 6 năm 1946)