Lính Mỹ "bình chân như vại" trước đòn tấn công tên lửa của Iran: Giải mã công nghệ bí mật

Anh Tú |

Trong vụ tấn công của Iran, các quan chức Mỹ cho biết binh lính nước này đã nhận được cảnh báo nhiều giờ trước khi sự việc xảy ra từ hệ thống liên lạc và tình báo tín hiệu.

Bí ẩn hệ thống cảnh báo sớm trong bài phát biểu của TT Trump

Ngày 8/1, Iran đã phóng hơn một chục quả tên lửa tấn công hai căn cứ quân sự ở Iraq có binh lính Mỹ đồn trú. Cuộc tấn công là đòn trả đũa cho vụ Mỹ sử dụng máy bay không người lái ám sát tướng Qasem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds và cũng là một tướng quân đội hàng đầu của Iran.

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm thứ Tư (8/1), Tổng thống Donald Trump cho biết thiệt hại từ vụ tấn công "chỉ ở mức tối thiểu" và không có người Mỹ hay người Iraq nào thiệt mạng.

Xét tới thực tế Iran đã phát triển được các tên lửa tấn công chính xác trong phạm vi chỉ vài chục mét thì đây là điều rất đáng chú ý khi tất cả các nhân viên tại căn cứ quân sự mà Mỹ đóng quân đều không bị thương vong gì.

Theo ông Trump, điều này chẳng có gì liên quan tới yếu tố may mắn hay sự yếu kém của đối phương. Thay vào đó, ông Trump đã nhấn mạnh tới "một hệ thống cảnh báo sớm hoạt động rất tốt".

Trên thực tế, Mỹ đang sở hữu một mạng lưới khổng lồ các hệ thống radar và vệ tinh dùng để theo theo các vụ phóng tên lửa trên toàn cầu. Nhờ vậy, lực lượng Mỹ đóng quân ở các căn cứ tại Iraq đã kịp thời di chuyển vào vị trí an toàn trước khi tên lửa tấn công xuống mục tiêu.

Hệ thống cảnh báo nói trên đã hoạt động theo đúng chức năng và kế hoạch dự kiến. Tuy nhiên khi mà công nghệ tên lửa được các đối thủ của Mỹ liên tục cải tiến thì một số chuyên gia vẫn đặt ra câu hỏi liệu hệ thống phòng thủ tuyến đầu của Mỹ có đủ khả năng bắt kịp hay không.

Lính Mỹ bình chân như vại trước đòn tấn công tên lửa của Iran: Giải mã công nghệ bí mật - Ảnh 1.

Mỹ đã cho binh sĩ sơ tán trước khi Iran tấn công tên lửa. Ảnh: CBS

Mỹ đã phát triển công nghệ "tóm sống" tên lửa như thế nào?

Hệ thống cảnh báo tên lửa của Mỹ đã có từ những ngày đầu Chiến tranh Lạnh trước mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân từ Liên Xô.

Đến đầu những năm 1960, Mỹ đã thiết lập được một mạng lưới gồm hàng chục hệ thống radar mặt đất tập trung quanh khu vực Bắc Cực và một số vệ tinh hồng ngoại có khả năng phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga có thể tấn công hạt nhân vào Mỹ.

Hệ thống radar trên mặt đất sẽ liên tục gửi đi các xung sóng vô tuyến tần số cao về phía đường chân trời. Nếu một tên lửa được phóng đi, sóng vô tuyến sẽ phản xạ từ tên lửa trở lại ăng-ten radar còn các vệ tinh sẽ tìm kiếm tín hiệu nhiệt từ tên lửa.

Mặc dù các phương pháp phát hiện tên lửa về cơ bản không hề thay đổi trong vòng 50 năm qua nhưng các hệ thống cảnh báo tên lửa ngày nay có độ chính xác cao hơn và phản ứng tốt hơn rất nhiều.

Một trong những cải tiến lớn nhất trong công nghệ cảnh báo sớm là các hệ thống lắp đặt trên không gian, giúp theo dõi liên tục các vụ phóng tên lửa trên toàn cầu.

Lính Mỹ bình chân như vại trước đòn tấn công tên lửa của Iran: Giải mã công nghệ bí mật - Ảnh 2.

Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo (BMEWS) kiểu cũ không thể giúp Mỹ phát hiện được các mối đe dọa hạt nhân. Ảnh: Popular Mechanics

Hiện tại, Mỹ có 4 tổ hợp vệ tinh hồng ngoại theo dõi tên lửa trên quỹ đạo, nghĩa là chúng không bao giờ thay đổi vị trí so với bề mặt Trái Đất và hai hệ thống phát hiện tên lửa hồng ngoại bổ sung tiếp nhận thông tin bí mật từ các vệ tinh của Văn phòng Trinh sát Quốc gia.

Trong vụ tấn công của Iran, gần như chắc chắn một trong những vệ tinh này đã cung cấp cho quân đội Mỹ thông tin về đường bay của các tên lửa đang được phóng đi.

Riki Ellison, người sáng lập kiêm Chủ tịch Liên minh ủng hộ hệ thống phòng thủ tên lửa bình luận: "Chúng chắc chắn phải được triển khai trên các máy bay không người lái hoặc máy bay có người lái".

"Radar thường bị hạn chế bởi đường chân trời và địa hình đồi núi nên khó có thể phát hiện được tên lửa cho đến khi nó bay tới một độ cao nhất định. Vì vậy, bạn cần phải có một cái gì đó trực tiếp ngay phía trên."

Khi vệ tinh phát hiện được một vụ phóng tên lửa, nó sẽ kích hoạt hệ thống cảnh báo tại Trung tâm Cảnh báo Tên lửa được điều hành bởi Bộ chỉ huy Không gian Mỹ đặt tại Căn cứ Không quân Núi Cheyenne ở Colorado.

Tại đây, các nhà phân tích quân sự sẽ đánh giá về độ chân thực của thông tin cũng như tính toán quỹ đạo bay của tên lửa để xác định xem nó sẽ tấn công vào vị trí nào.

Khi có được thông tin này, Bộ chỉ huy Không gian có thể xác định xem liệu việc đánh chặn tên lửa là có thể hay có cần thiết hay không. Toàn bộ quá trình đối phó mất bao lâu, từ lúc phát hiện đến lúc đánh chặn, phụ thuộc vào vị trí phóng và mục tiêu.

Trong vụ tấn công của Iran, các quan chức Mỹ cho biết binh lính nước này đã nhận được cảnh báo nhiều giờ trước khi sự việc xảy ra từ hệ thống thông tin liên lạc và tình báo tín hiệu nhưng cảnh báo phát đi sau lúc tên lửa rời bệ phóng chỉ có thể là vài phút.

Mỹ đã không cố gắng đánh chặn tên lửa mà thay vào đó, binh sĩ tại các căn cứ mục tiêu được lệnh sơ tán.

Đã hiệu quả nhưng vẫn còn những thách thức phía trước

Hệ thống cảnh báo tên lửa của Mỹ hoạt động đặc biệt tốt đối với các tên lửa đạn đạo được Iran sử dụng bởi quỹ đạo của chúng có thể được tính toán với độ chính xác cực cao sau khi rời bệ phóng.

Tuy nhiên, hệ thống này chưa được chuẩn bị tốt để xử lý các loại tên lửa mới hơn. Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: "Những gì chúng tôi nhận thấy là các mối đe dọa đang ngày càng trở nên phức tạp hơn và độ phức tạp càng lớn khi xét về khả năng cơ động".

Các tên lửa tiên tiến hơn có thể thay đổi quỹ đạo trong quá trình bay, điều đó có nghĩa là "nó sẽ không ở nơi bạn nghĩ nó sẽ tới nếu bạn cố gắng tấn công nó", chuyên gia Karako giải thích. Ông cũng cho biết, việc nắm bắt được công nghệ chế tạo tên lửa có tính cơ động cao nằm trong tầm với của Iran.

Các đối thủ khác của Mỹ thậm chí còn sở hữu những tên lửa tiên tiến hơn, chẳng hạn như các hệ thống mang "đầu đạn phóng lướt siêu âm" (HGV), loại có thể phóng lên như một tên lửa bình thường và lướt qua bầu khí quyển ở độ cao tương đối thấp.

Lính Mỹ bình chân như vại trước đòn tấn công tên lửa của Iran: Giải mã công nghệ bí mật - Ảnh 4.

Một vụ phóng tên lửa đất đối không của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Ảnh: Sputnik

Phòng thủ chống lại mối đe dọa này đòi hỏi phải có khả năng theo dõi liên tục một tên lửa đang điều chỉnh tiến trình bay của nó và lại bay ở độ cao tương đối thấp. Ở thời điểm hiện tại, đây được cho là "điểm mù" trong các hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ.

Radar phát huy tác dụng rất tốt trong việc theo dõi các vật thể ngoài đường chân trời còn các vệ tinh có thể phát hiện một vụ phóng tên lửa và tính toán quỹ đạo của nó nhưng lại không thể theo dõi một vật thể trong quá trình bay (mặc dù Mỹ hiện đang có hai vệ tinh trên quỹ đạo đang thử nghiệm khả năng này).

Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhận biết rõ về những thiếu sót này và đang tập trung nâng cấp công nghệ của họ. Năm 2018, Không quân Mỹ đã ký với Northrop Grumman một hợp đồng trị giá 866 triệu đô la trong vòng 5 năm để nâng cấp 3 hệ thống radar cảnh báo mặt đất ở Mỹ.

Năm ngoái, Quốc hội đã phê duyệt khoản ngân sách trị giá 160 triệu đô la để đẩy nhanh tiến trình phát triển của một thế hệ gồm 5 vệ tinh theo dõi tên lửa mới, chiếc đầu tiên dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Chuyên gia Ellison cho biết, trí thông minh nhân tạo (AI) dự kiến sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống cảnh báo tên lửa của Mỹ trước các mối đe dọa đang gia tăng: "Chúng ta cần phải tiến nhanh hơn, chúng ta không thể dựa vào các công nghệ đã cũ".

Vụ tấn công tên lửa của Iran hôm 7/1 đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh nghiêm túc về tầm quan trọng của các hệ thống cảnh báo sớm. Chúng đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo toàn tính mạng cả người Mỹ và người Iraq.

Hệ thống cảnh báo sớm trên không của Tập đoàn Raytheon

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại