Lính dù Nga như ‘hổ mọc thêm cánh’ với tổ hợp Kornet-M và BMD-4M

Đức Trí |

Lực lượng đổ bộ đường không Nga chuẩn bị có được hệ thống hỏa lực 'độc nhất vô nhị' khi tên lửa Kornet-M được lắp đặt trên 'xe thiết giáp nhảy dù' BMD-4M.

Theo báo Izvestia (Nga), sư đoàn và lữ đoàn đổ bộ đường không của Nga sẽ là những đơn vị đầu tiên được thay thế hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-M mới. Đây được coi là một trong những hệ thống tên lửa chống tăng tiên tiến nhất thế giới.

Nó không chỉ có thể tấn công các mục tiêu bọc thép mà còn có thể phá hủy các công sự và tòa nhà, thậm chí bắn hạ máy bay trực thăng và máy bay không người lái (UAV). Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, sau khi hoàn thành thay thế, lực lượng đổ bộ đường không Nga sẽ có được hệ thống hỏa lực "độc nhất vô nhị".

Theo báo cáo, quân đội Nga đã đưa ra quyết định chuyển giao hệ thống Kornet-M cho lực lượng đổ bộ đường không trên quy mô lớn và công việc thay thế sẽ bắt đầu vào năm 2021. Lực lượng đổ bộ đường không Nga sẽ được trang bị cả phiên bản gắn trên xe và phiên bản vác vai của hệ thống tên lửa này.

Hiện ở một số đơn vị đổ bộ đường không đã đưa vào sử dụng hệ thống tên lửa Kornet-M phiên bản vác vai, mặc dù có khả năng cơ động tốt nhưng vẫn không thể so sánh được với phiên bản gắn trên xe.

Người phụ trách Trung tâm huấn luyện số 242 của Quân đoàn đổ bộ đường không Nga cho biết, từ tháng 12/2020, Trung tâm này sẽ bắt đầu đào tạo binh lính vận hành Kornet-M.

Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo sẽ hoàn thành việc thử nghiệm tên lửa Kornet-D1 lắp trên xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M trong thời gian sớm nhất, hệ thống tên lửa này sẽ được trang bị cho tiểu đoàn pháo chống tăng của lực lượng đổ bộ đường không.

Theo các chuyên gia quân sự Nga, tên lửa Kornet-D1 có tầm bắn xa, sức xuyên phá mạnh, có thể xuyên thủng hầu hết các loại giáp tăng hiện đại, tên lửa này sẽ tăng cường đáng kể khả năng tiêu diệt mục tiêu bọc thép của lực lượng đổ bộ đường không.

Ngoài ra, hệ thống tên lửa này còn có khả năng cơ động tốt, đối phương khó có thể tiêu diệt được.

Theo các báo cáo, tên lửa Kornet-M phiên bản vác vai hiện đang được trang bị cho binh lính đổ bộ đường không và bệ phóng của nó được gắn trên xe bọc thép chở quân BTR-D. Ngoài ra, hệ thống tên lửa này cũng sẽ được lắp đặt trên các loại xe bọc thép bánh lốp có tính cơ động cao.

Lính dù Nga như ‘hổ mọc thêm cánh’ với tổ hợp Kornet-M và BMD-4M - Ảnh 1.

Xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M. Nguồn: Xinhua.


Trước đó, tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow, Nga đã nhiều lần trình diễn mô hình thử nghiệm của hệ thống tên lửa Kornet-D1.

Tuy nhiên, do hệ thống được lắp đặt trên khung xe bọc thép Tiger, nên không thích hợp cho việc đổ bộ đường không. Kornet-M thích hợp cho lính đổ bộ đường không, được lắp đặt trên xe bọc thép Typhoon-VDV.

Loại xe này không chỉ phù hợp với lực lượng đổ bộ đường không mà cả lực lượng Lục quân cũng có thể sử dụng. Kornet-M có thể xuyên thủng hệ thống bảo vệ xe tăng chủ động tiên tiến nhất thế giới và có độ chính xác cao trong mỗi lần tấn công.

Chính thức sản xuất từ năm 1994, tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet đã kịp tham gia hàng loạt cuộc xung đột và chứng minh sức mạnh của mình.

Ví như trong cuộc chiến Lebanon 2006, các chiến binh Hezbollah đã sử dụng Kornet tiêu diệt 4 xe tăng Merkava của Israel; tháng 10/2016 các chiến binh IS đã sử dụng Kornet bắn "tung nóc" siêu tăng M1 Abrams của Iraq; tháng 1/2017 tên lửa Kornet lại được sử dụng bắn nát xe tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ...

Tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet có tổng trọng lượng 63,7 kg gồm bệ phóng 3 chân 9P163-1; kính ngắm hồng ngoại 1PN79-1 và đạn tên lửa 9M133 (nặng 27 kg gồm cả container ống phóng).

Đạn tên lửa 9M133 có chiều dài 1.200 mm, đường kính thân 152 mm, trang bị đầu nổ chống tăng mặng 4,6 kg với ngòi nổ tiếp xúc. Đầu nổ của 9M133 được đánh giá có khả năng xuyên 1.200 mm thép sau giáp phản ứng nổ ERA.

Kornet sử dụng hệ thống điều khiển laser SACLOS (người Nga gọi là hệ thống điều khiển vô tuyến bán tự động bám sát đạn bằng hồng ngoại dùng phương pháp bắn 3 điểm, hay gọi tắt là hệ thống điều khiển bán tự động), tia laser được chiếu đến mục tiêu bởi xạ thủ, các mục tiêu cần phải liên tục được chiếu tia laser và một cảm biến ở phía sau cho phép tên lửa lái bám theo chùm tia laser đến mục tiêu.

Tên lửa Kornet đạt tầm bắn 100-5.500 m. Đáng chú ý, theo một số nguồn tin, tên lửa có khả năng bay theo quỹ đạo hướng vào nóc tháp pháo như tên lửa Javelin của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại