Lính Cyborg Ukraine: Thất bại cay đắng của "những siêu nhân không thể bị đánh bại"

Minh Hoàng |

Tuy được huấn luyện kỹ lưỡng, trang bị hiện đại nhưng những người-máy "Cyborg" Ukraine lại không thể đánh bại được lực lượng dân quân Miền Đông.

Ngày 9-2 vừa qua, kênh truyền hình Telekanal ZIK của Ukraine đưa tin về việc sẽ khởi quay một bộ phim tài liệu nói về công lao chiến đấu những người lính "Cyborg" trong cuộc chiến "tiễu trừ khủng bố" ở miền Đông Ukraine. Vậy cụ thể những người lính này là ai?

Lính Cyborg Ukraine: Thất bại cay đắng của những siêu nhân không thể bị đánh bại - Ảnh 1.

Một cảnh quay trong bộ phim tài liệu đang được kênh truyền hình Telekanal ZIK thực hiện.

Cyborg là gì?

Cyborg (tiếng Ukraine: кіборг) thực chất là một từ mượn, du nhập nước ngoài, bắt nguồn từ văn hóa phương Tây và xuất hiện trong văn hóa đại chúng Ukraine những năm sau khi Liên bang Xô Viết tan rã.

Cyborg ám chỉ những sinh vật được cơ khí hóa, hay nói đơn giản hơn là một con người có những bộ phận máy móc trên cơ thể và giúp họ có những khả năng phi thường.

Trong trận chiến ở sân bay Donetsk giữa quân đội chính phủ Ukraine và dân quân miền Đông Novorossiya, từ "Cyborg" được cư dân mạng sử dụng nhằm ám chỉ những người lính Kiev chiến đấu ở đây.

Họ ca ngợi đây là "những người phòng thủ không biết mệt mỏi", "ít được hỗ trợ và luôn chiến đấu trong tình trạng suy kiệt", ví von những người lính tại sân bay Donetsk là những người-máy, những "siêu nhân không thể bị đánh bại".

Ngày 10-10-2014, tuần báo Kyiv Post của Ukraine lần đầu tiên dùng từ "Cyborg" để nói đến những người lính Kiev khi đưa tin tường thuật trận đánh ở Donetsk. Nó bắt đầu lan tỏa một cách nhanh chóng trên giới truyền thông.

BBC là hãng tin nước ngoài đầu tiên dùng từ này trong bài tường thuật chiến sự của mình đăng ngày 31-10-2014. "Cyborg" từ đó được dùng như một "biểu tượng anh hùng dân tộc" trên các phương tiện thông tin đại chúng tại Ukraine.

Cyborg – những đơn vị đặc biệt tinh nhuệ

Vì trở thành nguồn cảm hứng cho "tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất", biệt danh "Cyborg" được Quân đội Ukraine đặt cho những đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của lực lượng vũ trang Ukraine.

Đó là Trung đoàn đặc nhiệm số 3, Lữ đoàn cơ giới 93, Lữ đoàn đổ bộ đường không 79, Lữ đoàn tăng 17 và các tiểu đoàn lính tình nguyện Right Sector và Tiểu đoàn tình nguyện Azov.

Trung đoàn đặc nhiệm số 3, Lữ đoàn cơ giới 93, Lữ đoàn đổ bộ đường không 79 và Lữ đoàn tăng 17 vốn là những đơn vị tinh nhuệ nhất, có truyền thống lâu đời từ thời Xô Viết.

Trung đoàn đặc nhiệm số 3 đóng quân ở Kropyvnytskyi là đơn vị đầu tiên tham gia huấn luyện theo chương trình và tiêu chuẩn kiểu mới của NATO tại căn cứ Khmelnitskyi.

Sau cuộc bạo động lật đổ chính quyền tổng thống Yanukovich năm 2014, Trung đoàn đặc nhiệm số 3 cùng các đơn vị đặc nhiệm khác bắt đầu được chính phủ mới của tổng thống Poroshenko ưu tiên tái tổ chức, trang bị các vũ khí đạt tiêu chuẩn phương Tây như Fort-12, Fort-14, Fort-221/Fort-224 (Tavor TAR-21), Fort-401 (súng máy Negev) và tiểu liên AK-74M cải tiến.

Lữ đoàn cơ giới 93 tiền thân là Lữ đoàn bộ binh cơ giới 93 Quân đội Xô Viết. Thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, đơn vị đã nhận được 2 huân chương Cờ đỏ, 1 huân chương Suvorov và 1 huân chương Kutuzov vì những chiến công đơn vị đạt được trên chiến trường Kursk, Kharkov, Budapest, và Prague.

Tuy nhiên, cũng sau sự kiện năm 2014, toàn bộ những huân chương danh dự của đơn vị thời Xô Viết bị xóa bỏ. Trước cuộc chiến ở Donbass, lực lượng chiến đấu chính của Lữ đoàn 93 gồm 2 trung đoàn xe chiến đấu bộ binh BMP-2, 1 trung đoàn xe bọc thép BTR-80 và BTR-3 (phiên bản xe bọc thép hiện đại nhất của Ukraine), 1 tiểu đoàn tên lửa chống tăng 9M113 "Konkurs".

Lính Cyborg Ukraine: Thất bại cay đắng của những siêu nhân không thể bị đánh bại - Ảnh 2.

Lính thuộc Lữ đoàn đổ bộ đường không 79 trình diễn võ thuật tại căn cứ các lực lượng gìn giữ hòa bình Kosovo KFOR. Ảnh chụp năm 2010.

Lữ đoàn đổ bộ đường không 79 nguyên là Lữ đoàn đổ bộ đường không số 40 của Quân đội Xô Viết. Đơn vị này từng tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Kosovo, Nam Tư và Iraq.

Từ năm 1991, lực lượng lính dù Ukraine gần như vẫn giữ nguyên giáo trình huấn luyện của lính dù VDV Xô Viết, ít có sự thay đổi. Gần đây, có một vài đổi mới trong huấn luyện kỹ năng chiến đấu theo mô hình của Lữ đoàn Không vận 173 Hoa Kỳ. Đơn vị được trang bị tương tự bộ binh nhẹ, kèm theo các đơn vị xe bọc thép nhảy dù BMD-1 và BMD-2.

Trong cuộc chiến ở Donbass, Lữ đoàn tăng 17 được trang bị chủ yếu bằng xe tăng T-64BV và pháo tự hành 2S1 "Gvozdika", 2S3 "Akatsiya".

Họ tiền thân là Lữ đoàn tăng Cận vệ số 17 Quân đội Xô Viết, từng được nhận 1 huân chương Cờ đỏ, 1 huân chương Suvorov cho những chiến công của đơn vị trong trận Stalingrad nổi tiếng năm 1942-1943. Tuy nhiên, cũng giống Lữ đoàn cơ giới 93, Lữ đoàn tăng 17 bị xóa toàn bộ danh hiệu truyền thống từ thời Xô Viết sau sự kiện năm 2014.

Lính Cyborg Ukraine: Thất bại cay đắng của những siêu nhân không thể bị đánh bại - Ảnh 3.

Binh sĩ thuộc tiểu đoàn Azov. Lần lượt từ trái qua phải là các vũ khí Fort-301 (Galil), AKS-74U, AKS-74 và AK-74M.

Tiểu đoàn Azov có lẽ là đơn vị "Cyborg" duy nhất không có truyền thống phát triển từ thời Liên Xô trong lực lượng vũ trang Ukraine. Chỉ huy trưởng của tiểu đoàn là Andriy Biletsky, một chính trị gia cực hữu của phong trào "Right Sector", đơn vị được tài trợ bởi tỷ phú người Ukraine Igor Kolomoisky, cũng là một chính trị gia của phong trào "Right Sector".

Thành viên của tiểu đoàn Azov không chỉ có người Ukraine mà còn có các "tình nguyện viên" đến từ Ý, Thụy Điển, Phần Lan, các nước vùng Baltic và Pháp. Căn cứ huấn luyện của lực lượng được xây dựng tại Kiev. Các bài tập được biên soạn dựa trên mô hình của Cộng hòa Liên bang Đức và Hoa Kỳ.

Theo đánh giá của quân miền Đông, Azov là lực lượng hiếu chiến nhất trên chiến trường Donbass. Nhiều thành phần của tiểu đoàn là những thành viên cực hữu và có tư tưởng tân phát xít.

Trang bị của đơn vị chủ yếu được chính tỷ phú Kolomoisky chi tiền mua sắm, nhiều vũ khí là loại đời mới do Ukraine sản xuất đạt tiêu chuẩn NATO như MZ-15, Z-10, Fort-221 và Fort-301. Đến tháng 9-2014, quân số tiểu đoàn đạt 3.500 quân và nó được đổi tên thành Trung đoàn Azov.

Thực tiễn chiến đấu

Lính Cyborg Ukraine: Thất bại cay đắng của những siêu nhân không thể bị đánh bại - Ảnh 4.

Lính trung đoàn 3 đặc nhiệm Ukraine chiến đấu bên trong sân bay Donetsk.

Trận đánh nổi tiếng nhất của lính "Cyborg" Ukraine trong chiến tranh Donbass là trận đánh cảng hàng không quốc tế Donetsk. Đây là nơi mà cả 5 đơn vị "Cyborg" đều tham chiến vào cùng một thời điểm.

Trong trận đánh sân bay Donetsk lần thứ nhất, diễn ra từ đêm 26 đến trưa ngày 27-5-2014, các đơn vị Cyborg với sự hỗ trợ áp đảo về tăng-thiết giáp và không quân đã tiêu diệt và làm bị thương 40-50 lính dân quân Miền Đông, đẩy đối phương ra khỏi sân bay.

Tuy nhiên, trong trận đánh lần thứ hai, mọi thứ đã đảo ngược hoàn toàn. Các sai lầm mang tính hệ thống của phe phòng thủ đã dẫn đến những tai họa chết người.

Các chỉ huy của lực lượng dân quân Novorossiya gồm Mikhail "Givi" Tolstykh (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Somalia), Arsen "Motorola" Pavlov (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Sparta) và Alexander Khodakovsky (lữ đoàn trưởng lữ đoàn Vostok) quyết định rằng:

Thay vì dùng xung lực bộ binh tấn công thẳng vào các vị trí đồn trú của quân Kiev như trước, họ sẽ dùng hỏa lực mạnh yểm trợ bộ binh "lẫn dũi" vào bên trong sân bay.

Lính Cyborg Ukraine: Thất bại cay đắng của những siêu nhân không thể bị đánh bại - Ảnh 5.

Lính chính phủ Ukraine ở khu vực lân cận sân bay Donetsk. Có thể thấy đơn vị này được trang bị đồng bộ súng trường tấn công Fort-221 (Tavor TAR-21).

Ngày 28-9-2014, chiến sự nổ ra khi hai bên đáp trả nhau bằng pháo, súng cối và pháo phản lực Grad.

Phải kể đến đầu tiên là sự thiếu trách nhiệm tiểu đoàn tên lửa chống tăng, Lữ đoàn cơ giới 93 và Lữ đoàn tăng 17 khi không phát hiện và ngăn chặn kịp thời xe tăng của dân quân Miền Đông, dẫn đến việc các xe tăng này áp sát vào sân bay và gây ra thương vong lớn.

Ngược lại, lực lượng tên lửa chống tăng của dân quân đặt ở các tòa nhà lân cận lại khống chế toàn bộ khu vực đường băng của sân bay, tiêu diệt nhiều xe tăng, xe thiết giáp của quân chính phủ đóng trú tại đây.

Được sự yểm trợ của pháo binh và khói ngụy trang, lực lượng dân quân chia thành các nhóm nhỏ đột nhập vào 2 tòa nhà chờ rồi tấn công quân Kiev ở khoảng cách gần. Vì khoảng cách giữa hai bên rất nhỏ, lại cùng xuất hiện trong một tòa nhà nên xe tăng, thiết giáp của quân Kiev không thể chi viện hỏa lực.

Lính dân quân Miền Đông chiếm được đồn cảnh sát, một khách sạn ở khu vực ngoại vi và trung tâm điều khiển sân bay. Còn hai tòa nhà chờ và tháp không lưu cơ bản vẫn nằm trong tay quân chính phủ.

Ngày 20-10-2014, lính Miền Đông tiếp tục đột nhập vào hai tòa nhà chờ bằng hệ thống đường ngầm bên dưới. Điều này đã làm cho lực lượng phòng thủ sân bay rất bất ngờ vì họ không hề biết cơ sở này có một hệ thống đường ngầm được xây dựng từ thời Xô Viết.

Giao tranh ác liệt giữa hai bên kéo dài cho đến khi dân quân dùng thuốc nổ giật sập tầng 3 của tòa nhà chờ mới, chiếm giữ tầng 2 và đẩy quân chính phủ xuống tầng 1 và tầng trệt. Với cùng chiến thuật như trên, lực lượng dân quân đã đẩy quân Kiev ra khỏi tòa nhà chờ cũ và nắm quyền kiểm soát vị trí này.

Lính Cyborg Ukraine: Thất bại cay đắng của những siêu nhân không thể bị đánh bại - Ảnh 6.

Binh sĩ thuộc tiểu đoàn Somalia, dân quân Novorossiya trên tầng 2 của nhà chờ mới. Ảnh chụp ngày 16-01-2015.

Chưa hết, quân chính phủ lại mắc sai lầm nghiêm trọng thứ hai. Do tập trung vào chiến sự ở sân bay mà họ quên mất việc bảo vệ tuyến đường tiếp tế và di tản từ làng Pisky nằm phía tây nam sân bay.

Quân Novorossiya tấn công bằng pháo và súng cối vào Lữ đoàn cơ giới 93 đóng tại ngôi làng này rồi cho bộ binh khống chế tuyến đường đi qua ngôi làng vào sân bay. Đến tháng 12-2014, việc tiếp vận nhu yếu phẩm và di tản thương binh tử sĩ của quân chính phủ chỉ diễn ra ngắt quãng và nhỏ giọt.

Ngày 13-1-2015, tháp điều phối không lưu bị bắn sập sau một tháng bị pháo kích liên tục. Ngày 19-1, dân quân Miền Đông dùng thuốc nổ đánh sập một phần mái tầng 1 của tòa nhà chờ mới, chôn vùi gần một trung đội lính Kiev bên dưới.

Ngày 20-1, lực lượng dân quân tiếp tục tấn công vào tầng trệt tòa nhà, quân chính phủ cố thủ ở tầng 1. Phía dân quân lại dùng thuốc nổ đánh sập sàn tầng 2 của tòa nhà, chôn vùi 37 lính đối phương.

Đến ngày 21-1-2015, dân quân Novorossiya hoàn toàn làm chủ sân bay quốc tế Donetsk. Trung tá Oleh Kuzminykh, chỉ huy trưởng lực lượng đổ bộ đường không bị bắt sống. Dmytro Yarosh, chỉ huy lực lượng lính tình nguyện Right Sector bị thương nặng phải di tản bằng đường hàng không.

Sau trận đánh, 185-200 lính chính phủ Ukraine thiệt mạng, hơn 100 lính khác bị thương, 25 bị bắt, 20 phương tiện cơ giới bị phá hủy. Lữ đoàn 79 và 93 là hai đơn vị chịu nhiều tổn thất nhất. Thiệt hại của phía dân quân Miền Đông là 43 người thiệt mạng, 62 người bị thương, 2 xe tăng T-72B1 bị phá hủy.

Lực lượng quân chính phủ thoát khỏi sân bay sau đó rút lui về làng Pisky. Ngoại trừ Tiểu đoàn Azov tiếp tục được cử đến thành phố Mariupol tham chiến, các đơn vị còn lại được đưa về Kiev nhằm phục hồi sau những tổn thất to lớn vừa trải qua và không tham gia bất cứ một cuộc giao tranh đáng kể nào cho đến khi thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2.0 được ký kết.

Tuy được huấn luyện kỹ lưỡng, trang bị hiện đại nhưng những người-máy "Cyborg" Ukraine lại không thể đánh bại được lực lượng dân quân Miền Đông.

Do sự chủ quan trong quá trình vạch định kế hoạch tác chiến mà các sai lầm nối tiếp sai lầm liên tục được đưa ra, kết quả là lực lượng quân chính phủ Kiev đã phải chịu thương vong và thất bại nặng nề tại sân bay Donetsk.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại