Không ai biết khả năng chiến đấu thực sự của quân đội Trung Quốc nhưng thực tế là hơn 70% binh lính nước này là con một. Hiện thực này khiến Bắc Kinh đau đầu trong việc giúp họ đối diện với nỗi kinh hoàng của chiến tranh một khi nó xảy ra.
Khóc thầm trong chăn
“Tôi là một thanh niên hư hỏng vì tôi là con một. Trong năm đầu tiên nhập ngũ, sau một ngày tập luyện vất vả, đêm nào tôi cũng khóc trong chăn vì nhớ nhà và bạn gái” - Tôn Hữu Bằng, nhập ngũ sau khi tốt nghiệp đại học năm 2010, thừa nhận với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.
Trước đây, nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng có không ít bài viết tiết lộ các tân binh tìm cách giả vờ bệnh để tránh những khóa đào tạo khó khăn, gian khổ.
Tân binh Trung Quốc đeo giá chữ thập để luyện lưng thẳng. Ảnh: REUTERS
Chính sách một con của Trung Quốc khiến giới truyền thông Nhật Bản, Hàn Quốc đặc biệt chú ý. Tháng 12-2013, tờ The Korea Times phân tích quân đội Trung Quốc sẽ bị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đánh bại nếu nổ ra xung đột ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bởi vì hầu hết binh lính Trung Quốc là những “tiểu hoàng đế hư hỏng”.
Giáo sư thuộc Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc Lưu Minh Phúc nói với tuần san Phương Nam rằng ít nhất 70% lính Trung Quốc là con một và con số này lên tới 80% ở các đơn vị chủ lực sẵn sàng chiến đấu.
Trong một bản báo cáo gửi chính quyền trung ương vào năm 2012, ông Lưu nhấn mạnh việc để con trai duy nhất trong gia đình đi chiến đấu là điều cấm kỵ ở Trung Quốc từ thời cổ đại. Còn ở Nhật, các nhà lãnh đạo quân sự có trách nhiệm ngăn chặn việc cắt cử con trai trưởng đi làm các nhiệm vụ có nguy cơ cao.
Nỗi sợ hãi chiến lược
Theo Antony Wong Dong, một chuyên gia quân sự ở Macau, nhiều quan chức quân sự và các nhà quan sát đã đánh tiếng về tác động của chính sách một con đối với an ninh lâu dài của Trung Quốc từ năm 1993.
“Theo luật quân sự nghiêm ngặt của Trung Quốc, lính đào ngũ có thể bị bắn chết tại chỗ. Ngay cả khi những binh sĩ con một không sợ chết trên chiến trường thì ai sẽ chăm lo cho gia đình một khi họ tử trận hoặc bị thương nặng” - Antony Wong Dong nói.
Trong khi đó, giáo sư Lưu Minh Phúc tiết lộ mặc dù quân đội Trung Quốc đã xây dựng các chương trình huấn luyện đặc biệt cho các cậu ấm song tỉ lệ con một quá cao vẫn là “nỗi sợ hãi chiến lược” đối với sự phát triển lâu dài của quân đội.
Hồi tháng 12-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã phê chuẩn nghị quyết nới lỏng chính sách một con, cho phép các cặp đôi có con thứ hai nếu cha hoặc mẹ là con một.
Ngay cả như thế, chuyên gia quân sự tại Thượng Hải Nghê Lạc Hùng nhận định cũng không giúp cải thiện nhân lực cho quân đội Trung Quốc trong 2 thập kỷ tới. “Ít nhất 20 năm nữa, những trẻ em là con thứ hai mới thành thanh niên” - ông Nghê lý giải.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Scott Harold, tham nhũng trong quân đội mới là mối lo chính của Trung Quốc chứ không phải chuyện binh lính con một.