Đó là câu nói của Đại tá Đặng Văn Dương, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, trong câu chuyện hiếm hoi trước giờ anh có chuyến công tác dài ngày kiểm tra công trình trên biển. Đây là chuyến công tác thứ bao nhiêu trong cuộc đời quân ngũ của mình, anh không thể nhớ. Cũng như bao đồng đội cùng đơn vị, cuộc đời của người lính Công binh 83 là những chuyến đi.
Những chuyến đi làm nhiệm vụ trên biển thường bắt đầu từ khoảng tháng 4 cho đến trung tuần tháng 8 (khi biển vào mùa lặng), hoặc cũng có thể sớm hơn và lâu hơn, hoặc bất cứ lúc nào khi Tổ quốc cần. Nhưng thường bao giờ cũng vậy, họ sẽ kết thúc công việc, kịp trở về trước 19-8 và chuẩn bị cho ngày kỷ niệm thành lập đơn vị.
Dẫu điều kiện hậu cần và trang thiết bị bây giờ đã phát triển, nhưng so với đất liền vẫn là thiếu thốn rất nhiều. Cái vất vả đầu tiên là khí hậu thời tiết và thiếu nước. Trong những chuyến đi thực hiện nhiệm vụ ấy, sau nhu cầu uống của bộ đội thì nước ngọt được ưu tiên cho việc rửa mặn vật liệu thi công.
Tắm giặt và các nhu cầu khác về nước phải được tính toán rất chi li, vậy nên sau mấy tháng "nằm biển", cùng với nước da đen bóng thì mái tóc ai cũng xơ và ngả màu hoe vàng.
Có một câu chuyện có thật trong đơn vị khiến người nghe cười ra nước mắt, đó là một đồng chí lính thợ sau chuyến đi công tác về thấy tóc mình cháy nắng chỗ vàng, chỗ nâu nên ra hiệu định nhuộm thành màu đen cho nghiêm túc.
Cô chủ quán nghe không kỹ, thấy tóc anh phần lớn ngả màu vàng nên đã nhuộm vàng cả mái tóc khiến anh suýt bị... kỷ luật.
Nhưng tóc chỉ là một trong vô vàn câu chuyện buồn vui trong hành trang "nằm biển" của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân. Những ai lần đầu đi biển thường nói về sóng và câu chuyện say sóng.
Với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, say sóng thường chỉ đến lần đầu trong đời đi biển, bởi ngay từ những ngày mới vào đơn vị, họ đã có những dụng cụ tập luyện như cầu thăng bằng, đu quay, cầu sóng… và để chuẩn bị cho một chuyến đi thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển thì cán bộ, chiến sĩ toàn bộ khung công tác đều chuẩn bị sẵn sàng từ thể lực cho đến kiến thức, kinh nghiệm, hậu cần, kỹ thuật…
Có chút gì như sự kiêu hãnh trong việc làm chủ thiên nhiên, "đạp sóng cưỡi gió", có chút gì ngạo nghễ, tự tin và lạc quan trước vất vả khó khăn chăng? Có ai đó nói với tôi rằng, cũng như bao chiến sĩ hải quân, cán bộ, nhân viên ở Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân rất hiểu lòng biển cả.
Như Đại tá Đặng Văn Dương là một điển hình, anh thuộc từng tên đảo và hiểu địa chất, địa hình, cấu tạo đảo; thông thạo từng luồng lạch, từng dòng hải lưu để biết đâu là lành-dữ, nhìn bọt sóng để biết bão sắp về, trông từng đàn cá chạy ngược luồng từ bờ ra khơi để biết cơn dông gần hay xa, dựa vào mùa và hướng gió cũng như địa chất từng đảo để biết thuyền phải neo ở hướng nào cho an toàn…
Và có lúc, gặp những đám gỗ hay luồng trôi thành cụm trên biển mà băn khoăn không biết có bè nào của dân bị vỡ, nhìn vệt dầu loang lo không biết có con tàu nào của dân bị va đập hay không?
Vậy nên buông chiếc cần câu xuống biển mà tâm trí để ở câu chuyện khác, kể cả khi con cá quẫy rung cần thì vẫn ngồi lặng ngắm nhìn ra chân mây xa xa.
Biển dẫu có mùa lặng nhưng không tránh khỏi bất thường, con người dù có làm chủ thiên nhiên đến mấy vẫn không cho phép mình chủ quan. Vì thế mà suốt nhiều năm nay, những chuyến đi biển thực hiện nhiệm vụ của lữ đoàn đều an toàn tuyệt đối, kể cả lúc gặp dông bão hay thời tiết bất thường.
Đã từng có những chuyến công tác của đơn vị nằm đúng vào vị trí tâm bão. Đó là những đêm trắng của đơn vị, ngoài biển, cán bộ, chiến sĩ lo neo giữ tàu, thuyền, bảo vệ người, bảo vệ trang bị, vật liệu. Thì cũng đêm ấy, trong đất liền, cả đơn vị hầu như không ngủ, tại phòng chỉ huy lữ đoàn, màn hình chiếu đường đi của bão luôn sáng, cứ chốc chốc các anh lại cập nhật tin tức về cơn bão.
Người đất liền ngóng ra biển chờ tin tức, chỉ mong nối thông được đường dây liên lạc, nghe được tiếng anh em ngoài biển báo bình yên là bỗng như trút được cả gánh nặng nghìn cân, nước mắt cứ thế tự nhiên rơi.
Cũng có những lần bão cuốn đi tất cả thuyền, nhà bạt, quần áo, đồ dùng và lương thực, thực phẩm. Ngay ngày hôm sau, chuyến tàu khác đã sẵn sàng lên đường tiếp tế, không để anh em thiếu thốn. "Với chúng tôi, còn người là còn tất cả"-Đại tá Đặng Văn Dương chia sẻ.
Đêm ở biển lạnh bởi hơi nước ngấm vào thịt da, càng lạnh hơn trong những lúc chống chọi với bão, quần áo trên người ướt sũng, quần áo dự trữ không còn, dù cán bộ, chiến sĩ trên các đảo có hỗ trợ nhưng cũng chỉ có hạn thôi…
Thiếu thốn là vậy nhưng lòng họ thì ấm áp vô cùng, bởi họ biết nơi đất liền có đồng đội đang nóng lòng chờ đợi, và họ cũng biết rằng nơi đất liền, gia đình mình, người thân và ngôi nhà của mình vẫn bình an vì đã có đơn vị đến chằng buộc, chăm nom.
Vậy nên, ở Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, mọi người vẫn nói với nhau rằng, những cơn bão lòng từ phía hậu phương rất hiếm xảy ra.
Bởi những người vợ dù không được biết chồng mình đang ở tọa độ nào, làm nhiệm vụ cụ thể gì, nhưng họ hiểu đấy là nhiệm vụ thầm lặng và cao quý. Đôi khi những người vợ vẫn đùa chồng mình rằng cơ quan là nhà, còn nhà là nhà trọ. Còn cán bộ, nhân viên nam trong đơn vị thì vẫn khẳng định: "Ta vĩ đại vì phía sau ta có những người phụ nữ vĩ đại".
Ví như Thượng tá Võ Hùng Lâm, Chính ủy lữ đoàn, là một trường hợp. Suốt bao năm gắn bó với các đơn vị hải quân, từ năm 2016, Võ Hùng Lâm trở lại Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, nơi trước đây anh đã từng công tác.
Vẫn biết càng đi xa, vợ con càng vất vả, nhưng nhiệm vụ của người lính là như vậy. Vợ anh một mình nuôi dạy 3 con từ nhỏ, hai cháu gái sinh đôi nhiều khi chỉ đợi đến hết giờ chiều để điện thoại vào nói chuyện với bố cho đỡ nhớ.
Còn Đại tá Đặng Văn Dương, anh có may mắn là ở gần vợ con, nhưng thời gian ở trọn ngày với gia đình có thể đếm được trên đầu ngón tay. Không riêng gì các anh, mà cán bộ, nhân viên ở đây hầu hết đều như vậy.
Sau mỗi chuyến đi làm nhiệm vụ, họ có thể kể cho người thân nghe nhiều câu chuyện, nhưng nhiệm vụ của đơn vị và nỗi vất vả gian truân thì không. Với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân, những khó khăn vất vả bao nhiêu cũng đều khắc phục được.
Như chuyện trồng rau ở biển, khi rau mầm ở đất liền chưa phổ biến thì họ đã có rau mầm ăn trong những chuyến đi. Đất và hạt giống được đưa từ đất liền lên tàu, qua mỗi đảo thì hạt giống rau còn là món quà cho anh em ngoài đảo.
Cho đến giờ cũng không ai nhớ chính xác tác giả đầu tiên của ý tưởng trồng rau mầm là ai, nhưng nói đến việc đưa đất liền ra đảo, không ai không nhắc đến đồng chí Hoàng Kiền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83 những năm 1991-1997 (sau này là Thiếu tướng Hoàng Kiền).
Những cái tên riêng trong trăm nghìn cái tên, những gương mặt trong trăm nghìn gương mặt, chung sức đồng lòng mở luồng thông lạch, cánh tay nối dài cánh tay, đôi vai chuyền cho đôi vai… họ như mạch máu nối đất liền với biển, mang sứ mệnh của người lính, sức mạnh của trí tuệ và hơi ấm của đất liền bồi đắp cho biển, đảo ngày thêm vững vàng, cho không gian như gần lại.
Nếu bạn gặp ở một nơi nào đó trên biển, đảo quê hương những con người với màu áo xanh công nhân, nước da đen, mái tóc cháy màu nắng và nụ cười lạc quan tươi rói, đấy có thể là những người lính của Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân.
Có những câu hát khiến mỗi lần cất lên, tôi lại nghĩ đến những vất vả gian truân và sự cống hiến thầm lặng của người lính Cụ Hồ nói chung và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân nói riêng, đó là câu hát trong ca khúc "Một rừng cây, một đời người" của nhạc sĩ Trần Long Ẩn:
Chân lý thuộc về mọi người/ Không chịu sống đời nhỏ nhoi/ Xin hát về bạn bè tôi/ Những người sống vì mọi người/ Ngày đêm canh giữ đất trời/ Rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân.
Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân thành lập ngày 19-8-1958, tiền thân là Đoàn 83 Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Trải qua nhiều lần thay đổi về tổ chức, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động... từ một trung đoàn với dụng cụ thô sơ, đi xẻ núi bạt rừng, mở đường trên miền Tây Bắc, đã nhanh chóng phát triển thành trung đoàn công binh cầu đường dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng.
Sau ngày đất nước thống nhất, Trung đoàn Công binh 83 chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân, làm nhiệm vụ xây dựng các công trình quốc phòng, ngày 22-5-2013, phát triển thành Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân. Lữ đoàn đã vinh dự được Nhà nước hai lần tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (1975, 1994).