Liên minh quân sự nhằm vào Iran do Hoa Kỳ lãnh đạo?
Washington đã cố gắng xây dựng một liên minh quân sự để tuần tra vùng biển của Vịnh Ba Tư sau một loạt các sự cố liên quan đến các tàu chở dầu gần eo biển Hormuz trong những tháng gần đây, tất cả bắt nguồn từ việc Mỹ bắt đầu tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực.
Cho đến nay, chỉ có một vài quốc gia đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ để tham gia sứ mệnh hải quân. Vương quốc Anh hiện vẫn là đồng minh duy nhất của Hoa Kỳ đã đăng ký thực thi nhiệm vụ.
Vào ngày 5/8, Anh đồng ý tham gia lực lượng hộ tống tàu chở dầu của Hoa Kỳ , tuy nhiên, các quan chức Anh nhấn mạnh rằng không có thay đổi nào đối với chính sách của London đối với Iran và rằng họ sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran.
Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu Đức giúp họ bảo vệ eo biển và ngăn chặn Iran, nhưng phản ứng của Berlin là nhấn mạnh rằng họ không muốn là một phần của chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Washington chống lại Tehran.
Một tàu chiến của Hải quân Đức
Bộ trưởng Ngoại giao Heiko Maas lập luận rằng không thể có giải pháp quân sự cho căng thẳng giữa Mỹ và Iran tại eo biển, nơi mà 1/3 dầu mỏ thế giới được vận chuyển, thêm vào đó ông cũng chia sẻ sự tin tưởng vào các giải pháp vào ngoại giao.
Các nhà lập pháp cấp cao trong cả 2 đảng CDU của SPD cùng với Thủ tướng Angela Merkel cũng từ chối ý tưởng này.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif tuyên bố rằng Nhà Trắng đã thất bại trong việc xây dựng một liên minh hải quân chống lại Tehran ở Vịnh Ba Tư bởi vì các quốc gia đồng minh Washington đã tỏ ra "rất xấu hổ" khi liên minh với Mỹ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng nhắc lại việc ông từ chối các kế hoạch của Mỹ xây dựng liên minh hàng hải ở Vịnh Ba Tư, nói rằng các quốc gia vùng Vịnh có thể tự bảo vệ an ninh trong khu vực.
"Không cần tới các lực lượng nước ngoài để duy trì an ninh ở vùng Vịnh", ông Rouhani nhấn mạnh.
Tàu cao tốc tên lửa của Iran
Trung Quốc có tham gia liên minh hải quân của Mỹ hay không?
Một đơn vị truyền thông Trung Quốc đã gọi những kỳ vọng về việc Bắc Kinh tham gia một sứ mệnh hải quân (theo ý tưởng của Mỹ) để bảo vệ các tuyến đường thủy ở Vịnh Ba Tư là "suy nghĩ viển vông".
Theo Thời báo Hoàn cầu, mặc dù một số người Mỹ hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia vào sứ mệnh và giúp giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Iran, nhưng một việc như vậy rất khó xảy ra, vì nó sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích của cả Bắc Kinh và Tehran.
"Đây rõ ràng là suy nghĩ viển vông. Iran là đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc và Trung Quốc xác định rõ (Iran) đang bảo vệ hòa bình và ổn định ở Vịnh Ba Tư.
Một liên minh (hải quân theo ý tưởng của Mỹ) như vậy sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của Iran và cả Trung Quốc".
Eo biển Hormuz, Vịnh Ba Tư, Biển Arab và đường bờ biển Iran
Tờ Thời báo Hoàn cầu đã tiếp tục nhấn mạnh sự hợp tác thành công giữa Bắc Kinh và Tehran trong việc chống cướp biển nói riêng và các nỗ lực chung nhằm duy trì sự ổn định và an ninh khu vực.
Trung Quốc đã phái các tàu hộ tống đến Vịnh Aden, vùng biển ngoài khơi Somalia và thành lập một căn cứ hải quân ở Djibouti nhằm hỗ trợ cho các tàu của Quân đội Giải phóng Nhân dân, bài báo bổ sung:
"Vẫn cần một liên minh hàng hải, nhưng chắc chắn không phải nằm dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ hay phục vụ các chiến lược của Hoa Kỳ. Liên minh nên tồn tại để thực sự bảo vệ lợi ích của các nước vùng Vịnh Ba Tư và các đối tác thương mại hợp pháp của họ".
Chiến hạm Trung Quốc tại Djibouti
Thời báo Hoàn cầu nhấn mạnh rằng mặc dù được hình thành với mục đích để đảm bảo an ninh hàng hải ở vùng Vịnh, kế hoạch hộ tống hải quân qua Eo biển Hormuz của Mỹ trong thực tế là một phần trong chiến lược dài hạn của Washington "để gây sức ép toàn diện" đối với Iran.
Một số quốc gia đã phản ứng với chiến dịch tuyên truyền của Hoa Kỳ chống lại Iran, bài báo nói thêm, và nhấn mạnh vào "sự kiêu ngạo và những hành động liều lĩnh của Washington" là nguyên nhân ban đầu gây ra căng thẳng ở Vịnh Ba Tư.
Căng thẳng Mỹ-Iran bùng lên vào năm ngoái, sau khi Washington đơn phương hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Vào ngày 8/5, Iran đã công bố quyết định ngừng một phần nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận.
Đến lượt mình, Hoa Kỳ đã leo thang hiện diện quân sự ở Trung Đông theo điều mà Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Bolton gọi là "một thông điệp rõ ràng và không thể nhầm lẫn với chế độ Iran".
Mỹ gửi một cụm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln, hệ thống phòng không Patriot PAC-3, lực lượng đặc nhiệm ném bom B-52 và máy bay chiến đấu F-15 đến khu vực.
F/A-18 "Super Hornet" cất và hạ cánh trên Tàu sân bay USS Abraham Lincoln.